Tiếng Việt | English

07/05/2019 - 19:55

Nỗ lực vì người bệnh tâm thần

“Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Long An tạo điều kiện cho người bệnh tâm thần tập luyện thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí và lao động. Đây được xem là một trong những biện pháp giúp họ sớm hồi phục sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng” - Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh - Huỳnh Ngọc Dũng chia sẻ.


Người bệnh tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tham gia hội thao

Nói đến cụm từ người bệnh tâm thần, chắc chắn không ít người cảm thấy sợ và nghĩ ngay đến hình ảnh những người đầu tóc rối bời, ăn mặc dơ bẩn, nói năng lung tung hoặc la hét gây nguy hiểm cho người khác. Thế nhưng, đó là hình ảnh của trước đây, khi xã hội còn kỳ thị, gia đình chối bỏ và người bệnh chưa được điều trị hợp lý. Còn bây giờ, người bệnh tâm thần tại Trung tâm CTXH tỉnh nói riêng, Long An nói chung được quan tâm, chăm sóc từ nhiều phía, đồng thời được điều trị bằng nhiều phương pháp hợp lý và hiệu quả, từ đó họ sớm phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng. 

Để giúp người bệnh tâm thần sớm hồi phục sức khỏe, hàng ngày, Trung tâm CTXH tỉnh đều tổ chức cho họ tập thể dục buổi sáng. Nhân ngày CTXH, 30-4, Tết Nguyên đán,... Trung tâm CTXH tỉnh tổ chức hội thao cho người bệnh tâm thần tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm CTXH tỉnh còn phối hợp Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh Bến Tre, Trung tâm CTXH tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thao, thi hát karaoke cho người bệnh tâm thần. Trưởng phòng Y tế - Chăm sóc phục hồi chức năng, Trung tâm CTXH tỉnh - Nguyễn Hữu Phương cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao, trò chơi cho người bệnh tâm thần là cơ hội để họ rèn luyện sức khỏe, cải thiện trí nhớ, tăng sự tập trung chú ý. Điều quan trọng là mang đến cho họ cuộc sống đúng nghĩa, góp phần tích cực vào công tác điều trị”.

Cách đây 1 năm, anh Trần Trung Trực, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, được đưa vào Trung tâm CTXH tỉnh trong tình trạng mất kiểm soát, đánh người, thường xuyên mất ngủ. Nhờ cán bộ, nhân viên ở Trung tâm CTXH tỉnh tận tình chăm sóc, nhất là được tham gia tập luyện thể dục - thể thao, anh Trực dần phục hồi. Giờ đây, anh có thể tự chăm sóc bản thân, ý thức được hành động của mình và chuẩn bị trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. 

Anh Trực tâm sự: “Khi chưa bị bệnh, tôi đi làm hồ, thanh long kiếm tiền lo cho cha mẹ, nhưng vì áp lực công việc quá lớn dẫn đến tôi bị bệnh tâm thần. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng chăm sóc và điều trị bệnh cho tôi nên đưa tôi vào Trung tâm CTXH tỉnh. Tại đây, tôi được điều trị, chăm sóc chu đáo, nhất là không bị kỳ thị và được chia sẻ, động viên kịp thời, từ đó tôi không còn mặc cảm, sức khỏe dần hồi phục”.

Ngoài ra, Trung tâm CTXH tỉnh còn tạo điều kiện cho người bệnh tâm thần tham gia lao động, sản xuất bằng nhiều hình thức như chăn nuôi, trồng trọt, dọn vệ sinh, đan giỏ,... Được biết, năm 2014, Trung tâm CTXH tỉnh bắt đầu tổ chức chăn nuôi gia súc, trồng trọt và đan giỏ nhựa gia công. Theo đó, người bệnh tâm thần nhẹ được hướng dẫn cách chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại và đan giỏ nhựa. Sản phẩm từ chăn nuôi và trồng trọt dùng để cải thiện bữa ăn cho các đối tượng ở trung tâm. Còn tiền công từ việc đan giỏ nhựa, trung tâm gửi lại cho các đối tượng. Số tiền làm được tuy không nhiều nhưng đó là động lực giúp họ tự tin khi trở về địa phương, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Có thể thấy, việc điều trị người bệnh tâm thần không hề đơn giản như những bệnh thực thể khác, vì đây là điều trị cho những người suy giảm, thậm chí mất hoàn toàn ý thức, nhận thức xung quanh. Do đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh phải điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó rất chú trọng đến điều trị bằng tâm lý./.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang quản lý và chăm sóc 416 đối tượng, trong đó có 335 người bệnh tâm thần. 

Minh Thư

Chia sẻ bài viết