Tiếng Việt | English

10/03/2020 - 13:54

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Long An tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT).Từ đó, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.

Hiệu quả từ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Cần Đước là một trong những địa phương đi đầu đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có kết nối Internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng. Hầu hết cán bộ, công chức cấp xã có thể sử dụng máy vi tính làm việc, trao đổi thông tin qua thư điện tử. Các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ứng dụng phục vụ công dân, tổ chức đều được triển khai, tích hợp trên Trang thông tin điện tử của huyện, tạo môi trường làm việc công khai, hiệu quả, minh bạch.

Trung tâm hành chính công cấp huyện dần trở thành địa chỉ tin cậy trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: Đến nay, huyện xây dựng được mạng LAN kết nối Internet, mạng số liệu chuyên dùng cho các cơ quan trực thuộc; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến huyện được trang bị và kết nối từ huyện đến xã. Qua đó, giúp các địa phương tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, lưu trú; huy động nhiều cán bộ, công chức dự các cuộc họp và phát huy được ý kiến tập thể; tăng cường sử dụng dịch vụ công phục vụ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Cũng như huyện Cần Đước, việc triển khai, ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP.Tân An ngày càng phát huy hiệu quả. Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết qua mạng trước hẹn và đúng hẹn của thành phố đạt trên 99,6%. Đạt kết quả này, hàng năm, thành phố dành một phần kinh phí để trang bị, mua máy vi tính và các thiết bị phụ trợ cho các phòng, ban, xã, phường; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao trình độ, từng bước đổi mới phương thức làm việc theo hướng ứng dụng CNTT.

Ông Nguyễn Văn Hậu, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, chia sẻ: “Chúng tôi thật sự phấn khởi, từ khi Trung tâm Hành chính công TP.Tân An được thành lập và đi vào hoạt động, việc giải quyết thủ tục hành chính của công dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều. Cán bộ, công chức làm việc ở đây hướng dẫn chúng tôi rất tận tình, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn hơn, tiết kiệm được thời gian đi lại so với trước đây”.

Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết: “Từ khi hệ thống CQĐT được triển khai, thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản được cập nhật thường xuyên, dù đi công tác xa, bản thân tôi và các lãnh đạo thành phố không bị gián đoạn về công việc. Chỉ cần một chiếc Ipad hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể chủ động đọc, xử lý được toàn bộ văn bản đi, đến của tỉnh, thành phố và cơ sở, từ đó, kịp thời chỉ đạo, điều hành công việc đạt kết quả cao”.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Hồ Văn Dân, năm 2019, công tác triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trên 97% cán bộ, công chức, viên chức các cấp được trang bị máy tính phục vụ công tác; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã được cấp chứng thư số cơ quan và chứng thư số cá nhân cho lãnh đạo. Tình hình trao đổi văn bản điện tử có ký số tăng so với năm 2018, có 192.194/227.508 văn bản đi được ký số, đạt 84% (tăng 40% so với năm 2018, vượt kế hoạch 2019 là 14%).

Bên cạnh đó, phần mềm "một cửa" điện tử được triển khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 17 sở, ngành, 15 UBND cấp huyện, 188 xã, phường phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Số lượng DVCTT mức 3, 4 tăng đáng kể, đến nay, trên Cổng DVCTT của tỉnh đã cung cấp 827 DVCTT mức độ 3 (đạt 45%) và 198 DVCTT mức độ 4 (đạt 11%). Tỉnh cũng hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng từ tỉnh đến xã, bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật cơ bản trong xây dựng CQĐT.

“Việc tăng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính, xây dựng CQĐT góp phần tăng cường tính minh bạch của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính. Từ đó, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Hồ Văn Dân khẳng định.

Tiếp tục khắc phục khó khăn

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, song việc triển khai xây dựng CQĐT của tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh, hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT còn thấp; nhiều phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc, chưa chia sẻ, kết nối được với nhau trong nội tỉnh và giữa tỉnh với các bộ, ngành. Bên cạnh đó, một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa bảo đảm cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu (cán bộ, công chức, viên chức; nhân hộ khẩu; đất đai, nông nghiệp,…); nhiều máy tính, nhất là ở cấp xã chưa được nâng cấp, thay thế mới nên không đáp ứng nhu cầu sử dụng; nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu (đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã); nhận thức, khả năng ứng dụng CNTT của người dân còn hạn chế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tăng cường tính minh bạch của cơ quan nhà nước

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tăng cường tính minh bạch của cơ quan nhà nước

“Nhằm góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ và UBND tỉnh đề ra về xây dựng CQĐT, huyện sẽ ưu tiên bố trí kinh phí nâng cấp, thay thế máy tính đã cũ, không đáp ứng nhu cầu sử dụng cho cán bộ, công chức (nhất là ở cấp xã). Đồng thời, các máy tính phải được cài đặt các phần mềm bản quyền (Windows), phần mềm phòng, chống mã độc nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin,…” - Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin.

Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, năm 2020, bên cạnh bố trí vốn đầu tư trang thiết bị, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, địa phương còn tiếp tục triển khai dự án xây dựng CQĐT; Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố khẩn trương phối hợp đầu tư phòng họp không giấy, góp phần tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu thông qua việc tiếp nhận, phản hồi các thông tin khi tham gia các hoạt động tại kỳ họp. Đây chính là bước đệm giúp thành phố thực hiện phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh, để thực hiện CQĐT theo đúng lộ trình, kế hoạch, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh cần nâng cao trách nhiệm trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, triển khai hệ thống phòng, chống mã độc tập trung; ưu tiên xây dựng hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP).

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Xây dựng CQĐT cấp huyện, thành viên Ban Chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh, lãnh đạo sở, ngành phải có kế hoạch ưu tiên xây dựng chính CQĐT, nghiêm túc thực hiện chữ ký số tiến đến ứng dụng ký số trên thiết bị thông minh; cải tiến các phần mềm; triển khai mô hình phòng họp không giấy; nâng cao chất lượng hạ tầng CNTT nhằm đáp ứng tốt công tác triển khai ứng dụng CNTT và đẩy mạnh thanh toán trực tuyến; chú trọng triển khai các DVCTT mức độ 3, 4, phục vụ tổ chức, công dân./.

"Triển khai hệ thống chính quyền điện tử giúp thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản được cập nhật thường xuyên, giúp cán bộ, công chức dễ dàng theo dõi công việc tại đơn vị dù phải công tác xa. Chỉ cần dùng các thiết bị điện tử có kết nối Internet là có thể đọc và xử lý toàn bộ văn bản đi, đến, kịp thời chỉ đạo, điều hành công việc”.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh - Trần Văn Cần

Sông Măng

Chia sẻ bài viết