Tiếng Việt | English

07/12/2016 - 09:00

Nỗ lực xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế

Công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (CQGVYT) trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An thời gian qua đạt kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, huyện có 7/15 xã, thị trấn đạt CQGVYT theo tiêu chí mới - cao hơn kế hoạch đề ra.


Tủ thuốc Đông y của Trạm Y tế xã Mỹ Yên sưu tầm được hơn 100 vị thuốc quý từ các khu vực trong và ngoài huyện, dùng cho việc khám và điều trị theo Đông y

Trưởng phòng Y tế huyện Bến Lức - bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế xã trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, huyện, xã tập trung thực hiện tiêu chí y tế trong 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhất là đối với những xã được chọn làm điểm của phong trào xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện có 7/15 xã đạt CQGVYT theo tiêu chí mới.

Mỹ Yên là xã văn hóa cũng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Theo Trưởng trạm Y tế xã - bác sĩ Huỳnh Văn Tiền, hiện tại, trạm có 7 cán bộ, nhân viên y tế và lực lượng cộng tác viên y tế ấp. Thuận lợi lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nơi đây là hầu hết cộng tác viên y tế phủ khắp 8 ấp, hệ thống giao thông thông suốt,...

Trạm Y tế luôn chủ động lập kế hoạch cho từng tháng, quí và cả năm. Từ đó, phân công công việc cụ thể cho cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn, thường xuyên liên hệ, phối hợp các tổ chức đoàn thể lồng ghép, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, triển khai thực hiện các chương trình y tế quốc gia đến người dân. Nhờ đội ngũ nhân viên y tế tích cực tuyên truyền nên nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Mỹ Yên hiện có 75,4% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây cũng là một trong những thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại trạm y tế.


Trạm Y tế xã Thanh Phú dùng máy đo điện tâm đồ phục vụ khám, chữa bệnh thông qua chẩn đoán hình ảnh

7 xã, thị trấn hiện đạt CQGVYT xã gồm: Thanh Phú, Mỹ Yên, Phước Lợi, Thạnh Đức, An Thạnh, Nhựt Chánh, thị trấn Bến Lức.

Nhiều năm qua, Mỹ Yên tích cực thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW về phát triển nền Đông y Việt Nam trong công tác khám, chữa bệnh. Phòng khám Đông y của trạm y tế hoạt động vào ngày thứ bảy với sự hỗ trợ tích cực từ 12 hội viên. Tủ thuốc Đông y của trạm có hơn 100 vị thuốc quý. Hàng tuần, trạm khám và bốc thuốc cho khoảng 30 người bệnh. Người bệnh còn được kết hợp điều trị bấm huyệt, châm cứu, chạy máy xung điện, máy bó thuốc, đèn hồng ngoại,...

Ở xã Thanh Phú, trạm y tế đạt chuẩn y tế quốc gia giai đoạn 2001-2010. Đó là nền tảng để phấn đấu thực hiện và đạt 10 tiêu chí quốc gia về y tế năm 2015. Hiện trạm có 6 cán bộ y tế với đầy đủ các chức danh bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ Đông y, cán bộ dược,... Cơ sở vật chất được trang bị mới với đầy đủ 11 phòng chức năng, trang thiết bị tốt, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Hiện nay, xã Thanh Phú có 71,5% dân số tham gia BHYT. Trung bình mỗi tháng, trạm tiếp nhận và khám bệnh ban đầu cho khoảng 500 lượt người, đa số người dân dùng BHYT.

Trưởng trạm Y tế xã - Phạm Thị Ngọc Diệu cho rằng, Thanh Phú là địa bàn gần trung tâm huyện Bến Lức lại gần trung tâm huyện Bình Chánh (TP.HCM), nếu không làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, người dân không tin tưởng, không đến với trạm. Vì vậy, tập thể y, bác sĩ trạm y tế không ngừng nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân. Trạm luôn duy trì và thực hiện nghiêm chế độ trực trạm 24/24 giờ, bảo đảm xử lý, cấp cứu kịp thời các trường hợp cấp cứu. Hiện nay, Trạm Y tế xã Thanh Phú vừa được hỗ trợ máy siêu âm, máy đo điện tâm đồ. Theo Trưởng trạm Y tế, có được các trang thiết bị này, trạm thực hiện tốt hơn việc khám, chữa bệnh cho người dân thông qua chẩn đoán hình ảnh.

Trưởng phòng Y tế huyện Bến Lức - bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, trong quá trình xây dựng xã, thị trấn đạt CQGVYT, huyện gặp nhiều khó khăn về kinh phí để đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại; các hoạt động ứng dụng kỹ thuật; đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng cũng như hạn chế về chất lượng; các trạm y tế chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng,... Tuy nhiên, ngành Y tế huyện tiếp tục khắc phục khó khăn, phấn đấu năm 2017 có 4 xã đạt CQGVYT cũng như mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết cho các trạm tuyến cơ sở; các xã còn lại tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn trước năm 2020./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết