Tiếng Việt | English

02/04/2018 - 20:42

Nơi ấm tình người

Thành lập từ năm 1979, gần 40 năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An trở thành mái nhà chung của nhiều cụ già không nơi nương tựa. Ở đây, không chỉ có trách nhiệm mà còn đầy ắp nghĩa tình với sự quan tâm, sẻ chia giúp các cụ sống vui, sống khỏe.

Những cụ có sức khỏe tốt tham gia nhổ cỏ, tưới nước cho rau màu, vừa có thể rèn luyện thân thể, vừa thư giãn về tinh thần

Những cụ có sức khỏe tốt tham gia nhổ cỏ, tưới nước cho rau màu, vừa có thể rèn luyện thân thể, vừa thư giãn về tinh thần

Tận tình chăm sóc

Có lẽ, nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ, viện dưỡng lão là nơi những người già không nơi nương tựa phải trải qua quãng đời còn lại trong sự cô đơn, hiu quạnh nhưng trong suy nghĩ của những người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (nơi được xem như viện dưỡng lão của tỉnh), trung tâm chính là nhà và các nhân viên cũng giống như con, cháu của họ vậy. 

Bà Nguyễn Thị Lũy (SN 1953), một trong những người sống lâu năm tại trung tâm (hơn 19 năm), tâm sự: “Tôi bị tật từ nhỏ, lớn lên không chồng, không con cũng không có nghề nghiệp ổn định do sức khỏe không tốt. Sau khi cha mẹ qua đời, không còn nơi nương tựa, tôi được giới thiệu vào trung tâm. Các nhân viên ở đây đều vui vẻ và chăm sóc tôi rất tận tình. Với tôi, trung tâm giống như gia đình thứ hai của mình vậy”.

Còn ông Lê Văn Điện (SN 1946) vào trung tâm được gần 5 năm. Trải qua từng ấy thời gian, cảm nhận của ông về cuộc sống ở đây cô đọng vỏn vẹn chỉ mấy từ: “Tốt hơn nhiều so với cuộc sống của tôi lúc trước”. Ông Điện chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, không có ruộng đất sản xuất. Hàng ngày, tôi làm thuê, làm mướn để kiếm sống nhưng do sức khỏe không tốt nên chẳng dành dụm được bao nhiêu. Nhớ lại những ngày tháng cơ cực đó, tôi cảm thấy mình may mắn khi vào sống tại trung tâm này”.

Ngoài những người bị tâm thần và trẻ em mồ côi, hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng 40 người già neo đơn, tàn tật. Trong đó, một số cụ bị bệnh nặng phải nằm một chỗ hoặc không thể đi lại nhiều. Vì vậy, hoạt động hàng ngày của các cụ chỉ gói gọn trong căn phòng mình đang sống. Từ việc ăn uống đến vệ sinh của các cụ đều cần có người phục vụ. Khi có cụ nằm viện, nhân viên chăm sóc cũng phải theo túc trực để lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Tuy chịu nhiều vất vả nhưng những nhân viên tại trung tâm luôn giữ được sự vui vẻ, ân cần.

Cuộc sống  tập thể giúp các cụ vơi đi phần nào  nỗi cô đơn, trống vắng

Cuộc sống tập thể giúp các cụ vơi đi phần nào nỗi cô đơn, trống vắng

Bà Nguyễn Thị Liên - nhân viên chăm sóc gắn bó mười mấy năm tại trung tâm, bộc bạch: “Làm nghề này không khác gì “làm dâu trăm họ”, bởi hầu hết các cụ đều lớn tuổi nên sức khỏe, trí nhớ đều không tốt, việc đi lại, ăn uống, sinh hoạt cũng khó khăn. Có cụ tính tình nóng nảy, không kiểm soát được hành vi của mình, thường xuyên la mắng mọi người xung quanh. Vì vậy, chúng tôi phải cố gắng tìm hiểu tâm lý từng cụ, dùng tình thương để chăm sóc và phục vụ, nếu không sẽ rất khó mà trụ được với nghề”.

Đồng cảm, sẻ chia

Ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, được quây quần bên những người thân yêu đến cuối cuộc đời. Nhưng với một số người, ước mơ ấy quả thật quá xa vời. Bà Hồ Đông Thanh (SN 1952) bùi ngùi: “Tôi vào đây được hơn 2 năm. Lúc đầu cũng cảm thấy buồn và tủi thân lắm vì mình có con, có cháu mà không thể ở chung được. Nhưng nghĩ lại, các con bận công việc lại phải dành dụm tiền để lo cho cháu nên chẳng thể chăm sóc cho mình. Vào trung tâm, không những được ăn uống đầy đủ mà còn được các bác sĩ theo dõi sức khỏe thường xuyên, nhờ vậy, bệnh của tôi ngày càng ổn định hơn”. Để minh chứng, bà Thanh “khoe” với chúng tôi phần cơm trưa với thịt gà hầm rau củ. “Đối với những gia đình khó khăn thì đâu phải lúc nào cũng được ăn ngon thế này!” - bà Thanh chân tình nói.

Được biết, bà Thanh bị bệnh tim nhiều năm nay, phải đặt máy tạo nhịp để duy trì sự sống. Phần vì lớn tuổi, tay yếu do bị tai nạn xe, lại thêm bệnh đau cột sống nên bà không thể lao động nặng. Hơn 12 năm trước, từ khi chồng mất, bà sống một mình vì các con đi lập nghiệp xa. Hai người con của bà đều lập gia đình nhưng ai cũng nghèo nên không chu cấp cho bà được bao nhiêu. Vì không muốn làm phiền con, cháu nên bà tự nguyện xin vào trung tâm. 

Chị Ma Thị Thanh Hà (SN 1982), nhân viên chăm sóc tại trung tâm, cho biết: “Mỗi cụ già đến trung tâm có hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều đáng thương vì không còn người thân bên cạnh. Bản thân tôi từng là trẻ mồ côi được trung tâm nuôi dưỡng nên rất hiểu cảm giác cô đơn, trống vắng đó. Vì vậy, tôi luôn xem các cụ như ông bà, cha mẹ của mình mà chăm sóc. Những lúc rảnh rỗi, tôi dành thời gian trò chuyện, chia sẻ giúp các cụ thoải mái về mặt tâm lý, để nơi đây thực sự trở thành mái ấm của những mảnh đời bất hạnh”.

Đối với những cụ bệnh nặng, từ việc ăn uống đến vệ sinh, tắm giặt đều cần có người phục vụ

Đối với những cụ bệnh nặng, từ việc ăn uống đến vệ sinh, tắm giặt đều cần có người phục vụ

Với mong muốn các cụ không chỉ được ăn no, ở sạch mà còn khỏe mạnh, vui vẻ, trung tâm khuyến khích các cụ tham gia rèn luyện sức khỏe bằng phương pháp ngồi thiền. Vào các dịp lễ, tết, trung tâm còn tổ chức các chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao để các cụ có dịp hòa mình và sống tốt hơn. Chính những sự quan tâm ấy giúp các cụ dần vơi đi nỗi buồn khi thiếu vắng tình thân. Mỗi ngày của các cụ trôi qua cũng đầy ắp tiếng cười. Mọi người đồng cảm, sẻ chia với nhau những vui, buồn. Đối với các cụ, cuộc sống giờ đây không còn cô đơn, tẻ nhạt nữa.

Dù mỗi người đều có những nỗi niềm riêng nhưng khi về sống cùng nhau dưới một mái nhà, các cụ già đều muốn mỗi ngày trôi qua thật vui vẻ, khỏe mạnh. Và tại trung tâm này, họ thật sự tìm được chốn bình yên cho những năm tháng cuối của cuộc  đời mình./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết