Tiếng Việt | English

18/11/2017 - 20:08

Nơi ấy ấm tình người

Đó là sự tận tụy và bao dung của những thầy cô giáo dạy các lớp học bơi, học vẽ miễn phí hoặc lớp xóa mù vùng biên giới hay giữa lòng thành phố. Dù là lớp học nào thì những thầy cô giáo ấy đều có chung sự tận tâm, tận tụy, kiên nhẫn dành cho học sinh của mình.

Tận tâm

Khi chúng tôi đến thăm, họa sĩ Phúc An đang chuẩn bị mẫu vẽ cho lớp vẽ miễn phí sắp khai giảng. Thấy có khách, anh bỏ dở việc đang làm. Những bức tranh với màu sắc sặc sỡ được bày trên nền nhà. Họa sĩ giải thích: “Chiều nay có một lớp vẽ miễn phí nữa được khai giảng tại trung tâm văn hóa xã nên tôi chuẩn bị lên đó. Lớp hiện tại, các em học ở nhà tôi vào tất cả các buổi chiều trong tuần. Nhưng do có lớp mới nên chắc phải nghỉ 2 buổi để chia thời gian cho lớp mới”. Chỉ những bức tranh ngổn ngang trên bàn, trên nền nhà, họa sĩ cho hay, đó là những mẫu vẽ do anh chuẩn bị hoặc tác phẩm nổi bật của học sinh được anh giữ lại làm dụng cụ dạy học cho các lớp sau.

Họa sĩ Phúc An chuẩn bị mẫu vẽ cho lớp vẽ miễn phí tiếp theo chuẩn bị khai giảngAnh tỉ mẩn chọn ra những bức vẽ thích hợp cho lớp sắp khai giảng buổi chiều rồi cất số tranh còn lại vào túi nylon một cách cẩn thận. Vừa làm, anh vừa kể: “Lớp của tôi mở hơn 1 năm rồi! Tôi dạy miễn phí nên các em theo học cũng nhiều, có đến 100 học sinh, nhưng do bận học ở trường nên sĩ số thường xuyên khoảng 30 thôi”.

Vì học sinh có nhiều độ tuổi khác nhau, thời gian nhập học cũng khác nhau nên với mỗi nhóm, họa sĩ Phúc An có cách hướng dẫn và bài tập riêng. Anh chia sẻ: “Với các em tiểu học, tôi không nói lý thuyết mà đơn giản hóa các nét vẽ thành dấu thanh cho gần gũi, dễ hiểu. Đối với các em THPT hoặc luyện thi, tôi hướng dẫn lý thuyết, cho vẽ vật thật, vẽ chì,... Cốt vẫn là giúp các em có thể tự do, thoải mái thể hiện đam mê của mình!”.

Họa sĩ Phúc An dùng chính tình yêu dành cho hội họa của mình truyền lại cho học sinh. Dù các em có năng khiếu hay không, chỉ cần yêu thích, đến lớp sẽ được thầy Phúc An hướng dẫn tận tâm. Nhìn hàng xấp bức vẽ mẫu đủ chủ đề, nhìn cách giảng bài say mê của anh, chúng tôi hiểu anh dạy bằng cả cái tâm của người làm thầy và tình yêu dành cho hội họa.

Ngoài dạy vẽ, thầy Phúc An còn hướng dẫn các em trong những cuộc thi. Thậm chí, anh còn tìm hiểu, giới thiệu các cuộc thi vẽ tranh ở nước ngoài cho học sinh của mình tham gia. Anh kể: “Biết thể lệ rồi, tôi bắt đầu trao đổi với những em có năng khiếu, đam mê rồi phác họa ý tưởng và hướng dẫn các em thực hiện. Lớp tôi có 5 tranh dự thi vẽ về môi trường tại Nhật. Sắp tới, tôi dự kiến mở cuộc thi vẽ tranh cho các em và đang xoay sở tìm kinh phí”.

Khi được hỏi tại sao anh lại dành nhiều thời gian, tâm sức cho một lớp học miễn phí như vậy, họa sĩ Phúc An chỉ cười: “Tất cả vì tình yêu dành cho các bé thôi! Tôi thấy môi trường giúp các bé phát triển đam mê mỹ thuật còn thiếu nhiều. Tôi chỉ muốn tạo điều kiện giúp đỡ các bé”. Vừa soạn dụng cụ cho chồng chuẩn bị đến lớp, vợ họa sĩ Phúc An vừa tiếp lời: “Tôi nghĩ, nếu lớp học này mà thu tiền chắc không được bao nhiêu em theo học đâu. Trong lớp có một em vẽ đẹp lắm, lại rất chăm chỉ! Nhưng nhà em ấy khó khăn, tôi nghĩ, thu tiền, chắc em ấy là người nghỉ đầu tiên”. Chính vì vậy, vợ chồng họa sĩ Phúc An vẫn cố gắng duy trì lớp học miễn phí tại nhà. Căn nhà cấp 4 dù nhỏ hẹp nhưng vẫn có một góc để bàn, ghế cho học sinh lớp vẽ dùng đến mỗi chiều!

Bao dung

Như họa sĩ Phúc An, cô Phạm Thị Liêm ở TP.Tân An, tỉnh Long An cũng dành hết tâm sức của mình cho lớp học tình thương mà cô đang đứng lớp. Sự tận tâm đó không thể hiện bằng lời nói mà bằng nỗ lực duy trì lớp học tình thương giữa lòng TP.Tân An trong suốt 20 năm. Trong 20 năm đó, cô Liêm chẳng dám cho lớp nghỉ buổi học nào, trừ những ngày sức khỏe không cho phép. Tuổi cao, sức khỏe ngày càng kém nhưng bảo cô nghỉ dạy, “xếp lại” lớp học tình thương ở Tân An thì cô không đồng ý.

Tuổi cao, sức ngày càng kém nhưng bảo cô Phạm Thị Liêm nghỉ dạy, “xếp lại”lớp học tình thương ở Tân An thì cô không đồng ý (Trong ảnh: Cô Liêm trong giờ đứng lớp) 

Gần 20 năm nay, cô quen với tiếng gọi “Cô!” gượng gạo của học trò mới ngày đầu đi học. Cô cũng nhớ, cũng thương cả sự nghịch ngợm của học trò mình. Dạy các em ở lớp xóa mù, cô Liêm không chỉ dạy chữ, dạy cộng, trừ mà còn dạy cả cách làm người, lễ nghĩa ở đời để cánh cửa vào đời của các em không quá chật và bớt phần vất vả. Cô nói: “Học sinh ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em không có cơ hội đi học, phải bươn chải kiếm sống từ rất sớm nên nhiều em lúc đầu chưa ngoan, có nhiều tật xấu. Tôi vừa dạy, vừa khuyên giải nhẹ nhàng, kiên nhẫn, các em sẽ nghe”. Chính sự kiên nhẫn đó giúp cô Liêm gắn bó với lớp từng ấy năm. Nhiều lớp học sinh của cô Liêm lớn lên, lập gia đình, lại nhiều lớp khác vào ngồi thay chỗ trống. Chỉ có cô Liêm vẫn mỗi ngày tận tụy chẳng vì bất cứ điều gì khác ngoài tình thương đối với những học trò nghèo, sớm vào đời vất vả.

Đó cũng là nguyên nhân, động lực giúp thầy Trần Ngọc Bảo ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng kiên trì với lớp học tình thương dành cho trẻ em Việt kiều Campuchia về nước. Thầy chia sẻ: “Ngày các em mới tới lớp, hầu như không em nào biết ngoan ngoãn nghe lời là gì cả. Nhưng dần dần các em ngoan hơn, đặc biệt rất ham học và quý các thầy cô. Gặp tôi ở đâu, các em cũng gọi vang “Thầy! Thầy!””. Lớp học tình thương do thầy Bảo góp công thành lập duy trì được hơn 2 năm nay. May mắn thay, lớp nhận được sự chung tay, tiếp sức của nhiều giáo viên, mạnh thường quân. Thầy cô giáo thay phiên nhau đứng lớp, mạnh thường quân chia sẻ bút viết, áo quần cho các em yên tâm đi học. Mỗi người một chút, làm nên một lớp học vùng biên ấm áp nghĩa tình.

Vậy đó, tất cả những người thầy như thầy Bảo, cô Liêm, họa sĩ Phúc An,... hay rất nhiều những thầy cô giáo, mạnh thường quân khác đang duy trì các lớp học tình thương đều là những người thầy đặc biệt. Họ trở nên đặc biệt, đơn giản vì những nỗ lực không ngừng của họ mỗi ngày qua để gieo thêm niềm tin, hy vọng cho những học trò cũng đặc biệt của mình!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết