Tiếng Việt | English

03/05/2016 - 09:53

Nỗi đau của dancer chuyên nhảy quán bar

Trót đam mê nghề dancer quán bar, Thùy Vân đã phải đối diện với không ít oan ức, tủi hổ.

Nguyễn Thùy Vân – 1 nữ dancer nổi tiếng tại Hà Nội cho biết, cô đến với nghề như 1 cái duyên. Chỉ 1 lần đi diễn dance cô đã nhận ra đây là đam mê thực sự của mình.

Thế nhưng, để theo đuổi đam mê này, ít ai biết Thùy Vân và những nữ dancer đã phải trải qua những điều gì.

Bỏ làm người mẫu, bỏ làm diễn viên để thành dancer quán bar

Là 1 nghề hoạt động trong môi trường phức tạp, giờ giấc làm việc nhạy cảm, lại thêm việc trang phục biểu diễn khá sexy, dancer mặc nhiên bị công chúng kỳ thị, định kiến.

Thậm chí, có rất nhiều người không coi dancer là 1 nghề, hoặc đánh đồng dancer với những cô gái “bán phấn, buôn hương”.


Nữ dancer Thùy Vân.

Thế nhưng, vì trót đam mê nghề, Thùy Vân sẵn sàng bỏ làm người mẫu, bỏ cả ước mơ trở thành nữ diễn viên để trở thành dancer quán bar.

“Tôi từng có 7 năm học múa và 2 năm làm người mẫu. Nhưng ước mơ của tôi từ nhỏ là trở thành 1 nữ diễn viên. Tự mình làm tiểu phẩm, tôi thi đậu vào khoa diễn viên của trường Sân khấu Điện ảnh.

Thế nhưng, sau 1 lần đi diễn dance, tôi thấy nghề này khá vui. Dần dần, tôi đam mê nghề lúc nào không biết. Tôi có thể bỏ đi múa, bỏ đi show catwalk nhưng nhất định không từ chối đi diễn dance.

Biết rằng nghề này nhạy cảm, tôi không nói với bố mẹ mà lẳng lặng đi diễn. Trước đó, tôi cũng thường xuyên đi biểu diễn văn nghệ cho trường nên việc đi sớm về khuya của tôi không khiến bố mẹ bận tâm lắm.

Thùy Vân bỏ nghề người mẫu, bỏ cả ước mơ làm diễn viên vì muốn theo nghề dancer.

Ban đầu, tôi vẫn vừa đi diễn, vừa đi học. Nhưng lịch làm việc dày đặc, mỗi ngày tôi chỉ được ngủ có 3 tiếng đồng hồ rồi lại phải tất bật đến trường. Thiếu ngủ triền miên khiến tôi vô cùng mệt mỏi, căng thẳng.

Nhiều lần, trên đường đi học về, tôi ngủ gật ngay khi đang điều khiển xe. Không ít lần tôi tự mất lái và ngã lăn ra đường. Không thể cố gắng hơn được, tôi xin bảo lưu kết quả học tập để toàn tâm toàn ý làm nghề”.

“Tao coi thường cái nghề mà mày đang làm!”

Cả gia đình Thùy Vân đều theo nghệ thuật: Bố cô và chị gái lớn là diễn viên. Chị gái thứ 2 của Thùy Vân là 1 siêu mẫu nổi tiếng. Cô ruột của Thùy Vân là nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam.

Thế nên, việc 1 “hạt giống nghệ thuật” của gia đình lại từ chối sàn catwalk, từ chối màn ảnh nhỏ, từ chối âm nhạc để trở thành dancer quán bar là một điều không thể chấp nhận được.

Để theo đuổi đam mê, Thùy Vân đã phải chịu không biết bao nhiêu đau khổ, dằn vặt. Mà áp lực lớn nhất, lại từ chính định kiến của những người thân trong gia đình cô:

“Lâu dần, việc tôi cứ thường xuyên đi đêm về hôm, lại mang theo cả đồ diễn về nhà thì mọi người bắt đầu nghi ngờ. Tôi đành nói dối bố mẹ là tôi đi nhảy cho các ca sĩ, cho sân khấu ca nhạc chứ không phải đi diễn bar.

Thế rồi 1 lần, chị gái tôi – là 1 siêu mẫu nổi tiếng – tình cờ đến bar nơi tôi làm việc. Chị thấy tôi trên sân khấu và hết sức tức giận.

Tôi có giải thích với chị, nhưng chị không nghe và giận tôi suốt mấy tháng liền. Tôi nhớ mãi, khi ấy, chị đã nói thẳng với tôi rằng: “Tao coi thường cái nghề mà mày đang làm!”.

Từng lời chị nói như những mũi kim đâm vào lòng tôi. Nỗi oan ức, sự tủi thân vì ngay cả những người thân yêu nhất cũng hiểu lầm mình khiến trái tim tôi như bị bóp nghẹt.

Tôi buồn lắm, nhưng không trách chị. Vì tôi biết chị chỉ đang hiểu lầm tôi mà thôi.

Sau đó, bố mẹ cũng biết chuyện và ép tôi bỏ nghề. Bố mẹ tìm cách đưa tôi vào Sài Gòn sống cùng chị gái. Tôi im lặng chấp nhận sự sắp đặt đó trong suốt 1 năm vì muốn mọi người hài lòng.

Nhưng trong 1 năm trời đằng đẵng, tôi sống 1 cách khổ sở. Bởi ở Sài Gòn, tôi không có bạn bè, không được làm công việc mình yêu thích.

Ngày ngày, tôi theo chị đi chụp hình, đi diễn catwalk nhưng không hề cảm thấy vui, trong lòng luôn trống rỗng và mệt mỏi.

Cuối cùng, tôi quyết định trở về Hà Nội, tìm lại con người thật của mình, tìm lại đam mê của mình. Lúc này, gia đình biết rằng không thể cản được 1 đứa ương bướng như tôi nên cũng đành mặc kệ.

"Có thời điểm, không khí trong nhà căng như dây đàn".

Tôi còn nhớ, có thời điểm, không khí trong nhà căng như dây đàn. Cứ mỗi lần tôi đi diễn về, bố mẹ lại khuyên nhủ, răn đe… Nhưng tính tôi vốn bướng, tôi lại quá mê nghề, nên vẫn lặng lẽ làm theo ý mình.

Suốt 7 năm theo nghề, mỗi ngày tôi đều nỗ lực hết mình. Không chỉ nỗ lực khẳng định mình trong công việc, tôi còn luôn cố gắng trong việc giữ mình.

Tôi không cho phép mình sa ngã, bởi nếu sa ngã, tôi đã tự bán rẻ mình, đã tự làm xấu đi ngành nghề mà tôi đam mê.

Sau 1 thời gian dài “đấu tranh”, tôi đã thuyết phục được mọi người rằng dancer cũng là 1 nghề chân chính. Điều quan trọng nhất là mọi người đã hiểu tôi yêu nghề và làm nghề 1 cách nghiêm túc.

Với tôi, không có nghề nào xấu cả, chỉ có những con người làm hoen ố hình ảnh của mình và nghề nghiệp. Tôi mong mọi người sẽ có cái nhìn công bằng hơn cho những nữ dancer chân chính"./.

VietNamNet/Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ bài viết