Tiếng Việt | English

16/11/2018 - 10:31

Nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông”

Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ, cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người. TNGT không chỉ gây ra hậu quả cho nạn nhân mà kéo theo đó nhiều hệ lụy khác, nhiều gia đình phải lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc...

Mỗi ngày trôi qua, có những người mãi mãi ra đi hay bị tàn tật, sống đời thực vật chỉ vì TNGT. Những tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng và người đầu bạc tiễn người đầu xanh làm chúng ta nhói lòng. Cứ thế, nỗi đau mang tên TNGT cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông.

Tai nạn giao thông luôn “rình rập”

Tai nạn giao thông luôn “rình rập”

Để kiềm chế TNGT, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã có nhiều biện pháp. Ngoài tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật giao thông, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân cũng được đẩy mạnh thực hiện. Các ngành, đoàn thể xây dựng những mô hình an toàn giao thông (ATGT). Những nơi hạ tầng giao thông bất cập được sửa chữa. “Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp các ngành, chính quyền địa phương khảo sát để kịp thời có giải pháp, kiến nghị khắc phục những bất cập liên quan đến hạ tầng, biển báo giao thông” - Ủy viên Thường trực Ban ATGT tỉnh Long An - Phùng Văn On cho biết.

Mặc dù vậy, TNGT luôn là nỗi ám ảnh thường trực đối với người tham gia giao thông. Mỗi năm, những vụ TNGT cướp đi mạng sống, sức khỏe của biết bao người. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), 11 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 189 vụ TNGT làm chết 114 người, bị thương 152 người (trong đó, đường thủy xảy ra 6 vụ làm chết 7 người; còn lại là đường bộ).

Qua phân loại các vụ TNGT, có 3 vụ rất nghiêm trọng làm chết 6 người, bị thương 1 người và 111 vụ nghiêm trọng làm chết 101 người, bị thương 69 người. Các vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ chiếm gần 41%, trên đường tỉnh gần 36%. “Nguyên nhân phần lớn các vụ tai nạn do đi không đúng phần đường, làn đường; lấn trái, kế đến là không chú ý quan sát, tránh sai, vượt sai quy định” - Thượng tá Lại Văn Út - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, cho biết.

11 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông làm chết 114 người, bị thương 152 người (Trong ảnh: Phương tiện bị tai nạn bể nát)

11 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông làm chết 114 người, bị thương 152 người (Trong ảnh: Phương tiện bị tai nạn bể nát)

Khi nhắc đến vụ xe container lưu thông trên Đường tỉnh 835, đoạn qua xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, lao vào nhà dân làm nhiều người bị thương và 1 bé gái 5 tuổi tử vong tại chỗ hay vụ xe tải đang lưu thông trên Quốc lộ N2, đoạn qua xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, lao vào nhà dân làm 1 người chết, 2 người bị thương (cùng gia đình), không ít người bàng hoàng. Câu hỏi của cha bé gái bị xe container cán tử vong: “Con tôi ngồi chơi ở thềm nhà mà cũng bị xe đâm trúng tử vong là sao?” khiến nhiều người xót xa.

Nỗi đau còn mãi

Gần 7 tháng sau tai họa ập đến với gia đình mình, em Trần Thị Hồng Thắm, 19 tuổi, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, phần nào bình tâm hơn, nhưng nỗi đau tai nạn đã cướp đi cha, mẹ thì sẽ âm ỉ suốt cuộc đời. “Làm sao quên được đêm hôm đó em nhận tin cha mẹ bị TNGT trên Quốc lộ 1, cách nhà không xa” - Thắm rưng rưng nước mắt. Đó là khuya 24/4/2018, ông T.P.X (SN 1961) và bà N.T.N (SN 1955) (cha mẹ Thắm) di chuyển bằng xe máy trên Quốc lộ 1, đến địa phận ấp 6, xã Nhị Thành, khi rẽ trái thì bị xe ôtô tải đang lưu thông cùng chiều tông trúng. Sau vụ tai nạn, Thắm vừa phải lo đám tang cha, vừa lo cho mẹ đang cấp cứu tại bệnh viện. Khi tang cha vừa xong cũng là lúc mẹ em trút hơi thở cuối cùng sau 4 ngày cấp cứu tại bệnh viện.

Phương tiện bị tai nạn bể nát

Cha mẹ ra đi đột ngột, đúng vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa Thắm bước vào kỳ thi THPT quốc gia, nhà em cũng chẳng có tài sản gì đáng giá, ngay cả căn nhà cũng tạm bợ làm bằng vách lá. Biết được hoàn cảnh đáng thương của em, chính quyền, mạnh thường quân xa, gần đã đến hỗ trợ, giúp đỡ Thắm lo đám tang và động viên em vực dậy tinh thần để đi thi. Sau đó, mạnh thường quân giúp đỡ xây cho em căn nhà cấp 4 nho nhỏ trên đất của người bà con để em có nơi thờ cúng cha mẹ. “Đến bây giờ, nhiều khi em vẫn chưa tin cha mẹ đã ra đi” - Thắm thổ lộ. Nỗi đau mang tên TNGT trong chốc lát làm Thắm mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Ngoài gây ra những cái chết tức thì, TNGT còn để lại những hậu quả âm ỉ, “cái chết” từ từ, đau đớn về thể xác, tinh thần. Những nỗi đau, mất mát này không chỉ riêng cho bản thân của người bị nạn mà còn dẫn đến những khó khăn cho cả người thân, gia đình, kinh tế bị kiệt quệ.

Như trường hợp anh Đỗ Quốc Tùng (SN 1989), ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức, sau vụ TNGT vào ngày mùng 4 Tết 2018, đến nay, anh phải sống đời thực vật, không thể nhận biết người thân trong gia đình. Mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của anh Tùng đều do người thân làm thay. Do sức khỏe yếu, không ăn uống được bằng miệng nên từ khi bị tai nạn đến nay, anh Tùng phải nằm điều trị ở bệnh viện Đa khoa Long An.

Ngồi bên cạnh giường bệnh chăm sóc con, khuôn mặt bà Đinh Thị Anh (58 tuổi) hiện rõ sự mệt mỏi, thất thần sau quãng thời gian dài mất ngủ và chứng kiến đứa con do mình sinh ra, nuôi nấng khôn lớn ngày càng tiều tụy, phải giành giật sự sống từng ngày. Thời gian qua, bà Anh trở thành “cư dân” ở bệnh viện cả ngày lẫn đêm để chăm sóc con.

Nhìn người con nằm bất động trên giường bệnh, bà Anh nghẹn ngào kể: “Ngày trước nó khỏe mạnh, cao to chứ đâu phải teo tóp, hốc hác thế này. Nó làm tài xế xe container, thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, nó đưa người yêu về ra mắt gia đình với nhiều dự định tương lai...”. Theo bà Anh, vì con làm nghề tài xế nên bà thường xuyên nhắc nhở lái xe cẩn thận. Thế mà chỉ vì vui trong ngày tết nên có uống chút rượu và khi lái xe máy trở về nhà thì tự té ngã, chấn thương sọ não, để bây giờ ra nông nỗi này.

Gia đình không ruộng đất sản xuất, sống chủ yếu dựa vào tiền làm mướn và đồng lương công nhân của các con, thời gian qua, chi phí điều trị cho con khá lớn, gia đình phải vay mượn người thân, bạn bè. “Do thể trạng nó quá yếu nên vẫn chưa thể đưa về nhà chăm sóc. Vất vả lắm, nhưng còn nước còn tát” - bà Anh buồn rầu nói.

Nhìn vào đôi mắt, khuôn mặt phờ phạc, lo lắng của bà, tôi cảm nhận được nỗi đau, sự lo lắng của người mẹ sau thời gian dài chờ mong một phép màu sẽ đến với con trai. Đằng sau câu nói “còn nước còn tát” ấy, tôi cảm thấy ở người mẹ này vẫn chưa hoàn toàn bỏ cuộc, bà đang có niềm tin vào những điều kỳ diệu đến với con trai mình./.

Ngày 25/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần ký ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” trên địa bàn tỉnh năm 2018 (ngày 18/11) với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tưởng niệm; tăng cường công tác tuyên truyền về ATGT, hậu quả do TNGT gây ra; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn,...

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích