Tiếng Việt | English

18/09/2017 - 03:00

Nơi đó thắm nghĩa tình

Chiến tranh đi qua nhưng những nhân chứng lịch sử vẫn còn đó. Họ từng bất chấp hiểm nguy để bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng, bảo vệ bí mật của vùng kháng chiến.

Bám đất, giữ làng, nuôi giấu cán bộ

Chúng tôi về ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trong những ngày tháng 9 lịch sử. Nhà ông Võ Văn Khơi nằm giữa cánh đồng lúa xanh ngát. Xa xa, đàn bò thong thả gặm cỏ bên lũy tre mát rượi. Nơi bình yên này, hơn 40 năm trước phải đối mặt với tiếng bom đạn triền miên. Và căn nhà của ông Khơi từng là nơi nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng.

Ông Võ Văn Khơi (bên trái)Năm nay, ông Khơi 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm! Ông kể: “Năm 17 tuổi, tôi vào đơn vị Tình báo của Trung Đoàn 308 Nguyễn An Ninh, thuộc Đại đội 2770 (Đại đội 5). Trong những năm 1967-1968, nơi đây là vùng chiến tranh ác liệt. Tôi có 7 người con, lớn lên đều lần lượt tham gia cách mạng. Giai đoạn đó, nơi đây là “vùng trắng”, bị Mỹ rải bom thường xuyên, nhiều người tản cư, ở ấp chỉ còn vài gia đình. Bọn lính ngày nào cũng ra vào nhà để dò xét, theo dõi động tĩnh. Trong nhà và xung quanh có đào 3 hầm bí mật, phòng trường hợp khẩn cấp thì cán bộ có chỗ ẩn nấp an toàn”.

Trong lúc kháng chiến, dân đi tản cư gần hết nhưng gia đình ông Khơi vẫn bám đất, giữ làng. Nhà ông lúc đó là cơ sở cách mạng hoạt động bí mật, nuôi giấu cán bộ. Trong các giai đoạn từ 1960-1962 và từ 1972-1975, gia đình ông là nơi hoạt động của nhiều cán bộ, trong đó, nhiều nhất là các đồng chí trong Ban Binh vận ở Sài Gòn.

An toàn khu bên kia sông

Ông Nguyễn Hoàng Văn, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, gần 70 tuổi, là một trong những người từng tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ông kể: “Bất chấp sự khủng bố và rình rập thường xuyên của địch, Nhơn Hòa Lập vẫn là một “an toàn khu”. Người dân nơi đây bảo vệ cán bộ cách mạng an toàn trước mọi hiểm nguy. Thời ấy, địch “đánh hơi” được những cán bộ cách mạng cấp cao về hoạt động tại địa phương nên chúng bất ngờ ập vào lục soát từng nhà người dân. Do chuẩn bị sẵn các phương án phòng gian, chống càn, cán bộ ta rút lui an toàn, địch không phát hiện được gì”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập - Lữ Văn Mưng bồi hồi: “Các cụ kể lại, cả làng đi kháng chiến, tất cả phục vụ kháng chiến. Có những gia đình chấp nhận hy sinh vì sự bình yên cuộc sống hôm nay”.

Từ cơ sở bí mật đầu tiên ở nhà ông nội ông Văn là cụ Nguyễn Văn Siêu, các gia đình cơ sở đón, nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật, trong đó có đồng chí Lê Duẩn.

Suốt thời gian dài hoạt động tại địa phương, các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng được nhân dân và các gia đình cơ sở bảo vệ an toàn. Sau Cách mạng Tháng Tám, các đồng chí ấy vẫn dành thời gian về thăm nhân dân và các gia đình cơ sở cách mạng ở Nhơn Hòa Lập mà ngày nay là Khu di tích Căn cứ Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Văn thăm Khu di tích Căn cứ Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ

Ông Nguyễn Hoàng Văn đưa chúng tôi thăm Khu di tích Căn cứ Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ. Ông cho biết: “Hầu hết những người nuôi giấu cán bộ thời tiền khởi nghĩa ở đây đều đã mất. Song những đóng góp đó luôn được các thế hệ hôm nay trân trọng”.

Chiến tranh đi qua, những người tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa có người còn, người mất nhưng những câu chuyện về sự dũng cảm, một lòng đi theo cách mạng, chấp nhận hy sinh của người dân trên mảnh đất kiên cường này vẫn còn được lưu truyền như nhắc nhở con cháu nhớ về một thời chiến đấu oai hùng. Ở đó, cán bộ, chiến sĩ luôn được người dân che chở, bảo vệ./.

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết