Tiếng Việt | English

27/02/2020 - 19:08

Hội quán Cầu Đôi

Nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất

Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, Hội quán Cầu Đôi (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) trở thành nơi sinh hoạt quen thuộc của hơn 30 thành viên. Ngoài giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hội quán còn là sân chơi bổ ích, thiết thực của nông dân.

Tham gia hội quán, các thành viên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền để đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc
Tham gia hội quán, các thành viên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền để đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc

Nói nhau nghe và nghe nhau nói

Hội quán Cầu Đôi được thành lập cuối tháng 7/2019 với 22 thành viên.Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay, hội quán có 31 thành viên. Hội quán chủ động xây dựng quy chế, đề ra chương trình hoạt động theo định kỳ. Cứ vào ngày 17 hàng tháng, các thành viên lại đến hội quán để học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi.

Sự ra đời và hoạt động của hội quán được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ, đặc biệt là sự giúp đỡ của nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Hữu Lâm hướng dẫn học tập mô hình hội quán tại tỉnh Đồng Tháp. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Hà Minh Tuấn thông tin: “Đảng ủy xã xác định việc thành lập hội quán là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và nhu cầu của người dân. Chính vì thế, Đảng ủy chỉ đạo chính quyền, MTTQ, đoàn thể triển khai thành lập hội quán và thường xuyên theo dõi, giúp đỡ hội quán hoạt động ngày càng hiệu quả. Theo đó, Đảng ủy giao Hội Nông dân xã phối hợp các ngành xây dựng kế hoạch vận động người dân tham gia hội quán, tổ chức họp lệ định kỳ hàng tháng”.

Hội quán Cầu Đôi là nơi sinh hoạt cộng đồng để người dân “nói nhau nghe và nghe nhau nói”, cùng bàn chuyện phát triển KT-XH, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản. Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi - Phan Kim Truyết cho biết: “Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi lồng ghép giới thiệu các loại phân hữu cơ vi sinh có mặt trên thị trường cho các thành viên lựa chọn sử dụng, kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và các chủ trương của địa phương. Các thành viên cùng nhau trao đổi cách làm mới, hiệu quả, xem phim tư liệu, nghe nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản; thảo luận, đóng góp để cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Hội quán còn tạo điều kiện cho các thành viên cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cơ hội làm ăn theo hướng mới dưới sự hướng dẫn của các ngành chức năng và khoa học. Qua đó, từng bước giúp nông dân có kiến thức sản xuất nông sản sạch, an toàn, giảm chi phí sản xuất, sản phẩm bán ra có giá cao. Trong hoạt động của hội quán, đảng viên là người tiên phong, đi đầu trong thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi. Đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín trong công tác. Hiện Hội quán Cầu Đôi có 8 thành viên là đảng viên.

Hội quán ra đời gắn với mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương là cây thanh long

Hội quán ra đời gắn với mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương là cây thanh long

Liên kết để cùng phát triển

Hoạt động của Hội quán Cầu Đôi giúp người dân từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để cùng phát triển, sản xuất lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Trí - thành viên Hội quán Cầu Đôi, bày tỏ: “Trong các cuộc sinh hoạt của hội quán, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn trao đổi với cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp để tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, cách tiếp cận thị trường trong sản xuất và xây dựng kế hoạch phát triển cho mình; đồng thời có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền để đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc”.

Hội quán Cầu Đôi ra đời gắn với mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương là trái thanh long. Do đó, hoạt động của hội quán hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long - Huỳnh Thái Thanh cho biết: “Sau thời gian hoạt động, kết quả bước đầu mà mô hình hội quán mang lại là minh chứng sống động cho tư duy mới “dám nghĩ, dám làm”. Hoạt động của hội quán còn góp phần tuyên truyền về bảo đảm an ninh, trật tự, tham gia công tác an sinh xã hội (xây dựng nhà tình thương, xây dựng hạ tầng nông thôn, tặng quà người nghèo,…), qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển KT-XH địa phương”.

Từ những thành công bước đầu của Hội quán Cầu Đôi, tháng 12/2019, xã tiếp tục thành lập Hội quán Đồng Tre (ấp Đồng Tre) với 43 thành viên tham gia sinh hoạt. Thời gian tới, xã tiếp tục củng cố hoạt động của Hội quán Cầu Đôi, tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa hoạt động hội quán và nhân rộng mô hình trên toàn xã.

Nhìn chung, mô hình hội quán góp phần thúc đẩy phát triển các loại hình hợp tác. Đây được xem là nơi kết nối cộng đồng, phát huy tính tự quản, từng bước thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, sản xuất lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm./.

An Hòa - Hoàng Long

Chia sẻ bài viết