Tiếng Việt | English

24/06/2015 - 11:17

Nơi gửi trẻ - con công nhân: Khi nào cung đủ cầu?

Hiện nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp, trong đó có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Do đó, số lượng dân nhập cư từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc khá nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng công nhân cần có nơi gửi con. Trong khi đó, hệ thống cơ sở giáo dục trong tỉnh không thể đáp ứng nhu cầu của công nhân nên việc thiếu phòng học để thu nhận trẻ là con công nhân tại cáckhu, cụm công nghiệp là vấn đề thường xuyên, gây áp lực cho những huyện công nghiệp.


Một tiết học của các bé tại cơ sở mầm non Tuổi Thơ, Khu lưu trú công nhân Long Hậu

Cung chưa đủ cầu

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 200 trường giáo dục mầm non, gồm 128 trường mẫu giáo và 72 trường mầm non (tăng 4 trường so với năm học 2013-2014). Trong đó, có 188 trường công lập và 12 trường tư thục. Ngoài ra, còn có 34 cơ sở mầm non tư thục và 167 nhóm trẻ tư thục (tổ chức tại gia đình). Mặc dù số lượng trường, nhóm trẻ tư thục có tăng nhưng hằng năm, áp lực tìm trường gửi trẻ tại các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa,... vẫn rất lớn.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo - Võ Thị Kim Loan cho biết, năm học 2014-2015, số trẻ đến nhà, nhóm trẻ là 4.856 cháu, đạt 9,62% (tăng 1,09% so với năm học trước). Trong đó, có 3.813 trẻ ở nhóm, cơ sở tư thục. Tổng số trẻ đến nhà, nhóm trẻ diện ngoài công  lập chiếm 78,52%. Số trẻ đến lớp mẫu giáo trên 47.600 cháu, đạt hơn 73% (tăng 2,21%). Trẻ 5 tuổi ra lớp trên 26.500 cháu, chiếm 99,8%.

Có thể nói, quy mô giáo dục mầm non tiếp tục gia tăng, nhất là việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ đến nhà, nhóm trẻ rất thấp. Những đối tượng này chủ yếu tập trung ở cơ sở tư thục là nhiều còn ở công lập rất ít. Một phần do các trường công lập chỉ đáp ứng nhu cầu cho con em trên địa bàn, còn con CN, dù rất muốn cũng khó gửi được. Vì vậy, họ đành gửi con vào các nhóm trẻ, các cơ sở tư thục với chi phí cao hơn.

Xuất phát từ nhu cầu, mong muốn được gửi trẻ để yên tâm làm việc đã tạo nên tình trạng "quá tải" ở một số địa phương trong tỉnh. Điều này dẫn đến việc xuất hiện một số nhóm trẻ tư thục không phép tổ chức tại gia đình. Trong 167 nhóm trẻ gia đình, có 155 nhóm có phép, 12 nhóm không phép, nhiều nhất là huyện Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.

Bến Lức là huyện tập trung rất nhiều CN, nhất là khu vực thị trấn, thế nhưng, ngoài một số trường mẫu giáo công lập, toàn huyện có 6 cơ sở tư thục và 49 nhóm trẻ gia đình chứ chưa có trường tư thục. Theo đó, địa phương sẽ ưu tiên cho các cháu 5 tuổi để phổ cập giáo dục mầm non, tiếp đến sẽ là các cháu 3 - 4 tuổi, rồi mới đến 0 - 2 tuổi.

Tương tự, huyện Cần Giuộc, do nhu cầu cần chỗ gửi trẻ của CN nên hiện nay, huyện có đến 33 nhóm trẻ gia đình (chỉ sau huyện Bến Lức), tăng 11 nhóm so với năm trước. Tuy nhiên, trước tình trạng ngày càng đông CN, nhất là xã Long Hậu và Tân Kim nên cứ mỗi năm học, những nhóm trẻ gia đình này vẫn không đáp ứng đủ cho trẻ từ 0 - 2 tuổi. Vì vậy, vẫn còn xuất hiện nhiều nhóm trẻ tự phát và ngoài công lập nhận vượt số trẻ so với quy định, nhưng rất khó giải quyết, vì xét cho cùng đều do nhu cầu cần thiết gửi con của CN.

Lẩn quẩn tìm nơi gửi trẻ

Tâm lý của nhiều người dân và CN nói chung đều mong muốn cho con vào các trường công lập. Thế nhưng, trước tình trạng trên, họ đành "bấm bụng" gửi trẻ tại các nhóm trẻ, các cơ sở tư thục vì chi phí cho 1 cháu thường "nhỉnh" hơn so với trường công. Đó là chưa kể có một số CN với đồng lương eo hẹp, phải chi phí nhà trọ, sinh hoạt nên họ đành gửi "tạm" con mình cho một số người lớn tuổi ở trọ xung quanh. Vì vậy, có những trường hợp, các cháu đã đến tuổi đi nhà trẻ nhưng họ vẫn cho ở nhà; đợi đến lúc 5-6 tuổi các cháu lại theo ông bà về quê đi học.

Thực tế, vẫn có một số cơ sở tư thục được đầu tư về vật chất, trang thiết bị khá tốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho trẻ. Tuy nhiên, những cơ sở này rất ít, vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ là con CN. Một trong những cơ sở được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá thực hiện khá tốt công tác quản lý cũng như chăm sóc cho trẻ là cơ sở mầm non Tuổi Thơ ở Khu lưu trú CN Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Cơ sở này đi vào hoạt động từ tháng 7-2011 với 78 cháu theo học (27 cháu từ 0-2 tuổi, 51 cháu 3-5 tuổi), phòng học, phòng ăn được đầu tư, xây dựng khang trang. Chi phí chung vừa tiền ăn, tiền học hơn 1 triệu đồng/tháng/cháu. Cơ sở này hoạt động đã góp phần giải quyết áp lực tìm trường gửi con của CN. Tuy nhiên, so với quy mô và số lượng trẻ tại KCN Long Hậu thì còn quá khiêm tốn.

Chị Huỳnh Thị Tám, ngụ tỉnh Đồng Tháp, CN Cty Túi xách Simone, KCN Long Hậu chia sẻ: "Tôi làm ở đây được hơn 3 năm. Tôi có 1 bé gái đến nay đã hơn 3 tuổi. Lúc trước, tôi gửi bé cho bà nội chăm sóc nhưng nhớ con quá nên đành phải đem con lên đây cho ở trọ cùng 2 vợ chồng. Lúc đầu, tôi nghe nhiều người giới thiệu cơ sở mầm non Tuổi Thơ có nhận gửi trẻ, tôi đến tìm hiểu và thấy khá tốt. Tuy nhiên, với mức lương CN của 2 vợ chồng phải tốn nhiều chi phí khác nữa nên vợ chồng tôi đành gửi con về quê. Chừng nào đến 5 tuổi, ông bà nội cho cháu đi học".

Còn với chị Đặng Thị Bích Ngọc, CN Cty Giày ChingLuh, quê ở Tiền Giang nói rằng, 2 vợ chồng chị đem con trai lên sinh sống từ lúc cháu mới 20 tháng tuổi. Lúc đó, 2 vợ chồng không tìm được trường để gửi nên chị đành gửi cháu cho nhóm trẻ gia đình gần khu trọ. Tại đây, bé chỉ được ăn, ngủ, còn việc học, ca hát, phát triển năng khiếu không có nên con của chị không được dạn dĩ lắm. Sau đó, chị gửi con vào cơ sở mầm non tại thị trấn Bến Lức. Với chị, là người từ nơi khác đến, để tìm một chỗ gửi trẻ quả thật không dễ, nó không cố định do lương CN rất bấp bênh. Vì vậy, vợ chồng chị đã suy tính, khi con đến tuổi vào mẫu giáo, sẽ cho bé về quê để việc học được bảo đảm lâu dài./.

Tháng 5-2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh đã chủ trì cuộc họp thông qua Dự thảo, kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020". Theo đó, bà đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh) cùng các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện. Được biết, Long An là 1 trong 10 tỉnh được Trung ương chọn làm điểm thực hiện đề án. Cấp tỉnh đã chọn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức và xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc là 2 đơn vị điểm. Đoàn đã đi tìm hiểu, khảo sát nhu cầu của CN ở 2 địa phương và các chủ nhà trọ. Từ đó có những đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện đề án. Hy vọng với giải pháp này sẽ hỗ trợ, tháo gỡ một phần khó khăn đối với CN có con nhỏ tại các khu, cụm công nghiệp.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết