Tiếng Việt | English

27/08/2019 - 09:46

Nói không với rác thải nhựa

Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nylon gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, nhà nhà, người người cần chung tay hạn chế rác thải nhựa (RTN), tiến tới nói không với chúng.

Nhiều hoạt động thiết thực của người trẻ

Cứ mỗi giờ ra chơi, học sinh Trường THCS Thống Nhất (TP.Tân An, tỉnh Long An) lại cho “ngôi nhà kế hoạch nhỏ” “ăn” rác thải. Số tiền thu gom từ bán ve chai được trường trích một phần nhỏ nộp về Hội đồng Đội thành phố, số còn lại được dùng để mua quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Tuyên truyền trong học sinh ý thức hạn chế rác thải nhựa, tiến đến nói không với chúng. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thống Nhất, TP.Tân An tham gia mô hình Ngôi nhà kế hoạch nhỏ)

Tuyên truyền trong học sinh ý thức hạn chế rác thải nhựa, tiến đến nói không với chúng. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thống Nhất, TP.Tân An tham gia mô hình Ngôi nhà kế hoạch nhỏ)

Em Thu Thảo, lớp 6/7, chia sẻ: “Từ năm học trước, em và các bạn trong lớp được cô tổng phụ trách đội tuyên truyền về tác hại của RTN, giữ gìn môi trường xung quanh bằng cách phân loại rác trước khi đem bỏ những vật dụng tái chế vào “ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Từ đó, mỗi giờ lên lớp hoặc ra chơi, các bạn sau khi ăn quà vặt đều bỏ những chai nhựa vào đây, vừa tiết kiệm được phần tiền nhỏ, vừa bảo vệ môi trường”.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thống Nhất - Trần Thị Ngọc Điệp thông tin, những năm trước, học sinh thường xả rác mặc dù được các thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Với suy nghĩ cần giáo dục học sinh hiểu được tác hại của RTN, liên đội xây dựng mô hình này từ năm học 2018-2019. Liên đội phối hợp Ban Giám hiệu trường tuyên truyền để học sinh hiểu được ý nghĩa mô hình thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và hoạt động Đội. Liên đội dành một phần đất nhỏ nằm ở góc sân trường để đặt “ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, đựng rác tái sử dụng như giấy, chai, lọ nhựa, vỏ lon,... Từ khi phát động đến nay, các em hiểu hơn về tác hại của rác thải nói chung, RTN nói riêng đối với môi trường sống giúp các em có ý thức hơn.

Người trẻ làm những việc có ích để bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thống Nhất tham gia mô hình Ngôi nhà kế hoạch nhỏ)

Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Long An - Võ Trần Tuấn Thanh cho rằng, thời gian qua, các tổ chức Đoàn trong tỉnh tuyên truyền, phát động đến các bạn trẻ nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường và phòng, chống RTN. Thông qua các chiến dịch tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, các mô hình ý nghĩa được các bạn trẻ hưởng ứng: Trồng cây xanh, khơi thông dòng chảy, thu dọn rác, gần đây nhất là hành trình chung tay bảo vệ môi trường được tổ chức tại Nhà Thiếu nhi với thông điệp mạnh mẽ trong việc sử dụng, tái chế RTN một cách phù hợp cũng như hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa,... Đặc biệt, nhiều thủ lĩnh thanh niên trong tỉnh còn sáng tạo, lồng ghép thêm nhiều hoạt động phong phú: Xây, sửa nhà tình nghĩa, trường mẫu giáo; làm đường, biến điểm đen rác thải thành bích họa, tổ chức tuyên truyền kêu gọi người dân chống RTN, thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, túi nhựa,...

Thay đổi thói quen - bảo vệ môi trường

Bước qua tuổi 85 nhưng hàng ngày, bà Huỳnh Thị Mai, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vẫn cùng một nhóm phụ nữ phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải tái chế, bán góp tiền cho công tác an sinh xã hội. Bà nói: “Mặc dù có vất vả nhưng vì cái chung, lợi ích cho con cháu sau này nên mình làm. Nhiều năm nay, gia đình tôi đều phân loại rác. Tôi thường dặn con cháu trong nhà hạn chế sử dụng túi nylon vì chúng rất độc hại cho môi trường. Nhiều năm về trước, mỗi khi đi chợ, người dân thường đem giỏ, dùng lá chuối hoặc những ca-men để đựng thức ăn chứ không sử dụng túi nylon tràn lan như hiện nay. Để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng 1 lần, tôi nghĩ chúng ta phải tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là những người nội trợ, người tiêu dùng hiểu được tác hại của chúng”.

Phong trào chống rác thải nhựa không khó nhưng phải có thời gian và cần sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân. (Trong ảnh: Mô hình thu gom phế liệu của phụ nữ Long Cang huyện Cần Đước)

Tại gia đình bà Mai, mỗi lần họp tổ phụ nữ, mọi người có thói quen đem theo rác thải tái chế để bán. Số tiền thu được trao cho Hội Phụ nữ xã để góp với huyện xây dựng mái ấm tình thương.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, hội vận động hội viên, phụ nữ và người dân chung tay xây dựng, thành lập, duy trì các mô hình chống RTN gắn liền nhu cầu đời sống: Hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Giỏ rác trao tay; Hố rác gia đình; Tổ thu gom xử lý rác thải; Giỏ xách đi chợ; Chai nhựa yêu thương; 3 Thu gom - 2 Xử lý và 2T; Biến rác thành tiền;... Ngoài ra, hội khuyến khích các hộ kinh doanh, tiểu thương và phụ nữ tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa khó phân hủy khi đi chợ,...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết, hiện nay, việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần ở nước ta nói chung, Long An nói riêng còn rất phổ biến. Chúng có giá rất rẻ, bền, dễ tìm mua, sử dụng một lần không cần dọn rửa nên được ưa chuộng. Tuy nhiên, RTN mất rất nhiều thời gian mới phân hủy, làm bẩn, độc đất đai, gây cản trở dòng chảy, len lỏi vào các mạch nước ngầm. Nếu đốt RTN sẽ gây ô nhiễm không khí. Những hóa chất từ chai nhựa, ly nhựa, túi nylon đựng thực phẩm sẽ gây độc hại với sức khỏe con người. Xử lý RTN phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc,...

Vì vậy, ngành tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và các địa phương phát động phong trào chống RTN. Gần đây nhất, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện trong những cuộc họp hạn chế sử dụng chai đựng nước uống một lần bằng nhựa. Ngoài ra, một số cửa hàng ăn uống, siêu thị,... hạn chế dùng ly nhựa mà chuyển sang dùng ly giấy, ống hút nhựa được thay thế bằng chất liệu bột; một số người dân bắt đầu dùng túi vải thay thế túi nylon,... Đây là bước tiến của phong trào, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về RTN. 

Người nội trợ nên có thói quen xách giỏ đi chợ hoặc dùng giỏ đựng nhiều vật dụng khi cần thiết nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần

Nhựa là vật dụng gắn liền với cuộc sống con người. Vì vậy, thực hiện phong trào này không phải là tẩy chay hết tất cả sản phẩm nhựa. Ở đây, ngành khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa, nhất là các loại sản phẩm chỉ sử dụng một lần. Ông Thuấn cũng nhấn mạnh, để phong trào đạt kết quả, cần có thời gian và làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người thay đổi thói quen, chung tay hưởng ứng./.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm, lượng rác thải nhựa ra môi trường đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý, tái chế. Việt Nam nằm trong các quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới. Mỗi ngày, cả nước có hàng triệu túi nylon được thải ra môi trường.

Tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa do Trung ương Đoàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa”. Thủ tướng kêu gọi toàn xã hội phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.

UBND tỉnh Long An có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh, các địa phương tổ chức phát động phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”.

UBND tỉnh Long An cũng phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nylon, hộp xốp và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, hộp xốp, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần,...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết