Tiếng Việt | English

19/08/2019 - 20:25

Nỗi lo năm học mới

Chuẩn bị kết thúc hè là bắt đầu nỗi lo của những gia đình nghèo, khó khăn có con đang trong độ tuổi đi học. Vì giấc mơ đến trường, khát vọng thay đổi số phận cho con, các bậc cha mẹ phải chắt chiu từng đồng, có gia đình mượn nợ thêm để lo cho con. Nhiều người trong số họ, những dòng suy nghĩ về các khoản phí đầu năm dường như hiện rõ lên khuôn mặt.

“Em muốn được đến trường và mơ ước sau này có việc làm ổn định lo cho gia đình” là ước mơ của cô gái nhỏ Phạm Thị Yến

“Em muốn được đến trường và mơ ước sau này có việc làm ổn định lo cho gia đình” là ước mơ của cô gái nhỏ Phạm Thị Yến

Gồng gánh nuôi con ăn học

Một ngày mưa, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Ngọc Hương (SN 1983), ngụ ấp 5, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Em Phạm Thị Yến - con gái của chị Hương, với dáng người gầy gò, màu da ngăm đen đang chạy vội thu gom quần áo vào nhà. Căn nhà nhỏ 39m2 có vẻ chật hẹp với 5 người.

Được biết, chị Hương có 3 người con đang trong độ tuổi đi học. Chồng chị - anh Phạm Duy Lết do sức khỏe không tốt nên không thể làm công việc nặng nên tùy theo sức khỏe, ai thuê gì anh làm đó để kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Còn chị Hương ở nhà chăm lo 3 người con, trong đó có 1 bé 6 tuổi. Thời gian rảnh, chị đan giỏ để kiếm thêm thu nhập. Tổng thu nhập của gia đình mỗi ngày có khi chỉ vài chục ngàn đồng. Chị Hương tâm sự: “Tiền làm ra thì ít nhưng quá nhiều việc cần phải dùng đến. Đó là chưa kể những việc đột xuất. Năm học mới đến, tôi lại lo lắng. Dù chắt chiu từng đồng, tiết kiệm hết mức có thể để lo cho 3 đứa con ăn học vậy mà vẫn cứ thiếu trước, hụt sau”.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền chưa dứt, nỗi lo các khoản phí đầu năm học lại ập đến. Nhiều lúc chị Hương có suy nghĩ cho con nghỉ học, giảm bớt gánh nặng gia đình nhưng thương con sẽ nối tiếp cái nghèo nên chị cố gắng nhiều hơn nữa để lo cho con được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Không còn hồn nhiên, vô tư như em út 6 tuổi, Yến nay lên lớp 7, em biết hết nỗi vất vả, khó nhọc của cha mẹ nên những giọt nước mắt bất lực không ít lần rơi trên khuôn mặt thơ ngây. Bởi, em không thể giúp gì được cho cha mẹ, chỉ có thể làm những việc lặt vặt trong gia đình và cố gắng học tập. Em nghẹn ngào: “Em muốn được đến trường và mơ ước sau này có việc làm ổn định để lo cho gia đình”.

Chị Hương tâm sự thêm: “Năm học mới, con người ta xúng xính với quần áo, giày dép, sách, cặp và nhiều thứ mới, con mình thì tận dụng những gì xin được, còn dùng được để đến trường. Thương con lắm, nhưng vì cảnh nghèo nên phải chịu!”.

Rời gia đình chị Hương, chúng tôi đến thăm gia đình chị Võ Thị Thanh Trang (SN 1978), ngụ phường 2, TP. Tân An. Giữa thành phố phát triển và nhộn nhịp, gia đình chị Trang vẫn lặng thầm gồng gánh nỗi lo cuộc sống hàng ngày. Gia đình chị Trang có 3 người đang sống trong căn nhà 15m2 (gồm: Chị, mẹ của chị và đứa con trai nay học lớp 11). Mẹ chị Trang lớn tuổi và bệnh xương khớp nên đi lại bất tiện, chị Trang là lao động chính của gia đình. Chị bán nước ở vỉa hè, mỗi ngày thu nhập khoảng 100.000 đồng. Chị Trang chia sẻ: “Nhà có mẹ già, con đang độ tuổi ăn học nên tôi không thể tìm công việc bó buộc thời gian. Tôi bán nước ở vỉa hè thì có thể chạy ra, chạy vô lo cho gia đình, đưa đón con đi học. Mỗi ngày, tôi bán từ 7-23 giờ”.

Dù có vất vả bao nhiêu, chị Võ Thị Thanh Trang cũng muốn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn

Dù có vất vả bao nhiêu, chị Võ Thị Thanh Trang cũng muốn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn

Là mẹ đơn thân, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên năm học mới đến, chị Trang lại trăn trở về các khoản phí đầu năm, nhất là con chị đang học ở trường tư. Chị Trang chia sẻ thêm: “Vì tương lai của con, vất vả bao nhiêu tôi cũng không sợ, chỉ mong con được học hành đến nơi đến chốn và có tương lai tươi sáng”.

Tiếp sức học sinh đến trường

Trước những hoàn cảnh khó khăn ấy, chính quyền địa phương, mạnh thường quân chung tay tiếp sức học sinh đến trường. Dù đó chỉ là chia sẻ một phần nhỏ trong hành trình lo cho con ăn học của các gia đình nghèo, khó khăn nhưng có ý nghĩa rất lớn về vật chất và tinh thần.

Tại xã Phước Đông, năm học mới này, xã “tiếp sức đến trường” cho 60 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Mỗi phần quà gồm 500.000 đồng và 20 quyển tập. Trong đó, 2 học sinh được tặng thêm chiếc xe đạp mới. 1 trong 2 học sinh ấy là Phạm Thị Yến - con của chị Hương được nhắc đến ở trên. Yến tâm sự: “Xe đạp cũ của em bị hư, không đi được nữa. Nay được tặng xe đạp mới, em vui lắm! Em rất trân trọng món quà này. Em sẽ cố gắng gìn giữ để sử dụng lâu dài”.

Ngoài ra, xã còn tặng 80 nón bảo hiểm cho học sinh, đặc biệt là những học sinh có tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp điện, xe gắn máy. Riêng Đoàn Thanh niên xã thì thực hiện mô hình Thu gom ve chai. Tất cả số tiền thu được dùng để hỗ trợ khẩn cấp cho học sinh. Bí thư Đoàn xã Phước Đông - Trần Nam Trung cho biết: “Cứ 3 tháng 1 lần, các đoàn viên ra quân thu gom ve chai trên địa bàn toàn xã. Tiền bán ve chai khoảng 10 triệu đồng/năm, dùng giúp đỡ học sinh khó khăn. Đặc biệt, mỗi phần quà không giống nhau, không phải là tiền mặt mà là những đồ dùng các em đang cần”.

Phường 2, TP.Tân An cũng quan tâm hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn. Mỗi năm, phường duy trì thực hiện chương trình “Thắp sáng ước mơ”. Theo đó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ 300.000-700.000 đồng tùy cấp học và học lực. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm để tặng quà cho các em. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường 2 - Mai Thị Kim Hương chia sẻ: “Những phần quà thay cho lời động viên chân thành nhất mà chính quyền địa phương dành cho các em và gia đình. Tuy phần quà có giá trị không lớn nhưng cũng đỡ đần phần nào cho gia đình khó khăn”.

Mong rằng, địa phương, mạnh thường quân quan tâm hơn nữa đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được chắp đôi cánh đến trường và chinh phục ước mơ của mình./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết