Tiếng Việt | English

15/08/2018 - 14:56

Nỗi lo sạt lở: Bài 2 - Canh cánh nỗi lo

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo ngành chức năng, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP.Tân An.

Sạt lở ăn sâu vào đất liền, nhiều hộ gia đình phải xây dựng nhà kiểu "nhà sàn" trên sông

Sạt lở ăn sâu vào đất liền, nhiều hộ gia đình phải xây dựng nhà kiểu "nhà sàn" trên sông

Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian qua ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Nhiều người xót xa vì nhà cửa, tài sản không còn. Có khi giữa đêm, cả gia đình phải tháo chạy do sạt lở, sập nhà.

“Nuốt chửng” nhiều ngôi nhà, tài sản

Nhiều năm qua, tại huyện Cần Đước, khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất là kênh Nước Mặn do ảnh hưởng của dòng chảy. Theo thống kê sơ bộ của địa phương, trên địa bàn xã Long Hựu Tây, từ năm 2013 đến nay, sạt lở làm ảnh hưởng khoảng 3ha đất, 2 ngôi nhà bị sạt lở hoàn toàn và 12 hộ buộc phải di dời. Hiện, tình trạng sạt lở vẫn diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 100 hộ dân.

Ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc là một trong những điểm sạt lở phức tạp, diễn biến nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay, tại nơi xảy ra sạt lở, sông ngày càng ăn sâu vào bờ. Những ngôi nhà ven sông “chống chọi” với sạt lở, có khi chỉ còn phân nửa, tường nhà nứt toác, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Bà Lê Thị Kim Loan, một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở, không nhớ nổi đã bỏ ra bao nhiêu tiền để gia cố khu vực móng nhà giáp sông. Hơn 1 năm trước, 3 ngôi nhà liên tiếp của gia đình bà còn căn phòng phía sau, hệ thống nhà vệ sinh nhưng hiện nay, một phần căn nhà đã “trôi sông”, 3 ngôi nhà chỉ còn gian nhà chính, một căn phòng nhỏ nhưng cũng đầy những vết nứt do ảnh hưởng của sạt lở.

Theo bà Loan, sạt lở ăn sâu vào nhà trên 10m. “Mỗi năm, gia đình đều mua đất, cừ tràm gia cố nền nhà. Có khi, vừa gia cố xong thì sáng hôm sau, sạt lở lại xảy ra, kéo tất cả xuống sông. 3 năm nay, gia đình tôi mất rất nhiều tiền của, công sức để chống sạt lở nhưng cũng không được gì” - bà Loan cho biết.

Thấp thỏm lo âu

Theo bà Lê Thị Kim Loan, hơn 2 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn ra rất nhanh. Năm nào ít cũng 2-3 ngôi nhà bị “hà bá” nuốt trọn. Đứng trong căn phòng ở nhà dưới, được lót bằng mấy tấm gỗ sát mé sông, bà Loan cho biết: “Trước đây, căn phòng này là phòng ngủ, phía sau còn một khoảng sân nhỏ cùng nhà bếp và công trình phụ nhưng nay, nhà bếp, công trình phụ đều bị sụp xuống sông, căn phòng này cũng bị sạt lở. Sống trong vùng sạt lở, chúng tôi lo sợ nhưng chẳng biết phải làm sao? Di dời đến nơi ở mới thì không đủ điều kiện, còn ở đây thì ngày nào cũng thấp thỏm. Nhiều đêm, gia đình phải chạy tán loạn sau khi nghe những tiếng rắc rắc phát ra từ vết nứt của bức tường”.

Theo UBND huyện Cần Giuộc, khu vực ấp 4, xã Long Hậu, có trên 60 ngôi nhà, trong đó có 6 ngôi nhà kiên cố, còn lại chủ yếu là nhà cấp 4 và nhà tạm. Đến nay, 100% số nhà này đều bị sạt lở từ 20-30% diện tích. Nhiều nhà bị sạt lở đến 50%, có 10 ngôi nhà bị sụp hoàn toàn.

Sạt lở tại kênh Dương Văn Dương, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa khiến 6 ngôi nhà bị sụp lún hoàn toàn

Sạt lở tại kênh Dương Văn Dương, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa khiến 6 ngôi nhà bị sụp lún hoàn toàn

Trên sông Cần Giuộc, khu vực từ cống Trị Yên đến bến phà Cần Giuộc, thuộc địa phận thị trấn Cần Giuộc, tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ năm 2012 đến nay, khu vực này có 12 ngôi nhà và 1 ngôi chợ bị trôi xuống sông, hiện nay, hơn 100 hộ dân đang bị ảnh hưởng. Ngôi nhà bà Lê Thị Hồng Quỳnh, thị trấn Cần Giuộc, đang trong tình trạng sạt lở. Bà Quỳnh cho biết: “20m từ mép nước hiện tại ra sông trước đây là đất và nhà ở của người dân. Nhưng, mỗi năm, sạt lở lấn sâu hơn nên nhiều nhà, đất ở bị “nuốt” trọn. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ dân khác phải gia cố, làm nhà sàn để ở. Biết nguy hiểm nhưng người dân chẳng còn lựa chọn nào khác”.

Vụ sạt lở nghiêm trọng trên kênh Dương Văn Dương thuộc ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, xảy ra ngày 07/7/2018, làm 6 ngôi nhà bị sụp lún hoàn toàn, các hộ dân phải di dời khẩn cấp. Bà Huỳnh Ngọc Lượm, 1 trong 6 hộ dân bị ảnh hưởng buộc phải di dời, cho biết: “Gia đình tôi tích góp bao năm mới xây dựng được ngôi nhà nhưng bị sạt lở, không còn nơi để ở. 3 bà cháu dựng tạm căn lều để ở chứ chưa biết tính sao”.

Mặc dù tình trạng sạt lở diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống người dân nhưng do thiếu nguồn vốn đầu tư nên nhiều dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở mới được bắt đầu triển khai hoặc đang chờ nguồn vốn của Trung ương phân bổ./.

(còn tiếp)

Bài 3: Phải có giải pháp phòng, chống

Kiên Định

Chia sẻ bài viết