Tiếng Việt | English

15/09/2016 - 10:03

Non sông gấm vóc đẹp như thơ khi nhìn từ chiều thẳng đứng

Vẻ đẹp rực rỡ của dải đất hình chữ S được ghi lại trong những khuôn hình mới lạ, sinh động, và đầy ắp cảm xúc của bốn nhiếp ảnh gia trẻ trung, mê xê dịch.

Lê Thế Thắng, Huỳnh Phúc Hậu, Ngô Huy Hoà và Trần Năm Thương là những người đồng hành trong loạt chương trình truyền hình ‘S-Việt Nam’ nhiều năm qua. Trong suốt quá trình khám phá, tái tạo và thay đổi, khao khát hòa bình, từng bước đi của họ đồng thời thu giữ lại những khoảnh khắc đẹp mê hồn của đất, trời, biển, con người Việt Nam.

Triển lãm ảnh “S Việt Nam - Một Việt Nam kỳ diệu”, diễn ra ngày 14-15/9 tại Không gian Văn hóa Việt, đã trưng bày 70 bức ảnh - 70 khoảnh khắc diệu kỳ mà bốn tác giả đã chạm tới trên những chuyến dọc ngang cùng ‘S-Việt Nam".

Chia sẻ về tấm ảnh Cực Tây (Chân mây địa đàng), tác giả Ngô Huy Hòa cho biết, bức ảnh này anh chụp ở Pha Luông, Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

“Đỉnh Pha Luông được ví là “Nóc nhà của Mộc Châu” với thế núi độc đáo, giống như một mũi thuyền vươn lên giữa biển mây vần vũ. Những vách đá hùng vĩ sừng sững như thách thức những con người say mê khám phá và chinh phục tự nhiên. Thời điểm leo núi thích hợp nhất là mùa đông và mùa xuân.

Khi đó thời tiết không quá nóng, du khách sẽ đỡ mất sức và tránh được những thời tiết bất lợi. Vào cuối xuân, những vạt hoa đỗ quyên thắm đỏ như những mảng màu rực rỡ trong bức tranh thiên nhiên lộng lẫy của Pha Luông” - tác giả Ngô Huy Hòa chia sẻ thêm về kinh nghiệm đi du lịch tới đây.

Giấc ngủ trưa - Tác giả: Ngô Huy Hòa, chụp tại Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Theo Huy Hòa, thời điểm thích hợp để “săn ảnh” lúa chín cũng như cuộc sống của con người nơi đây là vào cuối tháng 10 dương lịch.


Tác phẩm trưng bày của Huỳnh Phúc Hậu.


Tác phẩm: Hào quang núi rừng của Trần Năm Thương, chụp tại núi Bạch Mộc Lương Tử

Dãy Bạch Mộc Lương Tử nằm ở phía Bắc Việt Nam, ở ranh giới của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Bạch Mộc Lương Tử cũng là tên của đỉnh cao nhất trong dãy núi này.

“Sau một ngày đêm di chuyển trong rừng sâu và ngủ lại tại lán trại ở độ cao 2.000m, chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng và bắt đầu hành trình lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. Khi chúng tôi lên tới đỉnh núi thì bình minh bắt đầu ló rạng. Cả không gian núi rừng bao phủ trong lớp sương mù bất giác bừng lên với đủ sắc màu rực rỡ của ngày mới, tạo cho tôi một cảm giác phấn khích tột độ” - tác giả Trần Năm Thương kể lại.

Tác phẩm trưng bày của tác giả Trần Năm Thương.

Tác phẩm: Biển mây trên núi - Tác giả: Trần Năm Thương chụp núi Bạch Mộc Lương Tử, huyện Bát Xát

Tác phẩm: Chơi quay ngày xuân - Tác giả: Trần Năm Thương, chụp tại cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào H’mông vùng Tây Bắc mỗi khi Tết đến xuân về. Mong cho con quay của mình được quay lâu, quay tít cũng là một cách thể hiện ước nguyện của đồng bào H’mông ở vùng cao Tây Bắc. Đó là có được sức khỏe, sự dẻo dai để chinh phục thiên nhiên, duy trì cuộc sống nơi những non cao vời vợi.


Tác phẩm: Phá Tam Giang của Lê Thế Thắng.


Tác phẩm Sa Pa mùa đông của Lê Thế Thắng


Tác phẩm: Nụ cười của Huỳnh Phúc Hậu, chụp tại chùa Tà Pạ, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

"Tôi đến Chùa Tà Pạ, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đúng vào dịp hàng trăm người dân đang cấy lúa, làm công quả cho nhà chùa. Nụ cười thơ ngây, tươi rói của ba em nhỏ trong giờ giải lao đã mê hoặc tôi” – tác giả Huỳnh Phúc Hậu kể lại.

36 phố phường Hà Nội - Tác giả: Lê Thế Thắng

Lê Thế Thắng cho biết: “Kiến trúc của phố cổ Hà Nội được nhìn thấy rất rõ từ trên cao. Dẫu là mái ngói đã được thay thế bằng mái tôn sặc sỡ nhưng những đặc trưng của kiến trúc nhà ống vẫn còn rất rõ nét ở phố cổ Hà Nội hôm nay”./.

Đăng Thu/Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết