Tiếng Việt | English

17/01/2017 - 16:29

Nông dân cần đề phòng sâu, bệnh hại lúa Đông Xuân

Đến nay, toàn tỉnh gieo cấy ước đạt 205.977/512.400ha, đạt 40,2% so với kế hoạch, bằng 89,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Đến thời điểm này, có 18.167ha cho thu hoạch, năng suất (khô) bình quân ước đạt 56,2 tạ/ha, sản lượng 101.947 tấn, đạt 3,6% so với kế hoạch (2,8 triệu tấn).


Nông dân phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh

Đối với diện tích lúa chưa thu hoạch, có 5.570ha bị ốc bươu vàng phá hại, mật độ phổ biến 1-6 con/m2, tập trung trên lúa giai đoạn mạ tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường; 4.607ha bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-10%, tăng 1.470ha so với tuần trước, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ và TP.Tân An; 2.246ha nhiễm rầy nâu, mật độ phổ biến 500-1.500 con/m2, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và Đức Huệ.

Ngoài ra, còn có các đối tượng gây hại khác: Chuột (509ha), cháy bìa lá (454ha), sâu cuốn lá (350ha), sâu phao (305ha), lem lép hạt (126ha), đạo ôn cổ bông (105ha), bọ trĩ (100ha), sâu năn (50ha) và đốm vằn (30ha) xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ - chín tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Dự báo tình hình sâu, bệnh tiếp tục phát triển: Rầy nâu trưởng thành; bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt gia tăng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ - chắc chín; ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, chuột, sâu năn, sâu phao tiếp tục phát sinh trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để có giải pháp phòng trị kịp thời.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo xuống giống lúa Đông Xuân 2016-2017 tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ, gieo sạ đồng loạt và né rầy, không gieo sạ tự phát, phân tán.

Riêng các huyện phía Bắc, ở các vùng trũng đang bị ngập sâu và nằm ngoài giới hạn xâm nhập mặn năm 2016 có nguy cơ ngập úng do mưa lớn cuối mùa có thể điều chỉnh linh hoạt kế hoạch xuống giống trong tháng 1-2017 (đợt 4: Từ 12 đến 22-1-2017) để hạn chế thiệt hại. Các huyện phía Nam, đối với các huyện sản xuất chỉ sử sụng nước chứa trong hệ thống kênh, rạch bị thiệt hại do hạn, mặn năm 2016, nông dân không gieo sạ, chuyển đổi sang sản xuất rau màu ngắn ngày để tránh tình trạng thiếu nguồn nước tưới./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết