Tiếng Việt | English

02/09/2015 - 15:13

Nông dân ĐBSCL đón Tết độc lập với khát vọng vươn lên làm giàu

Sau 70 năm độc lập, nông dân ĐBSCL không còn lo mất mùa, thiếu đói mà vấn đề đặt ra đối với họ là có thể làm giàu từ cây lúa.

Hôm nay (2/9), khắp nơi vùng quê ĐBSCL dù không khí phấn khởi, tự hào đón ngày Tết độc lập đang tràn ngập, nhưng nhiều nông dân vẫn vác cuốc ra đồng để giữ cho mùa vụ bội thu. 70 năm trôi qua, những miền quê đổi thay từng ngày, trong đó cánh đồng lớn là mô hình thiết thực có thể giúp nông dân làm giàu từ cái nghề “một nắng hai sương” này.

Như thành thông lệ, cứ vào ngày 2/9 nhiều gia đình nông dân ở ĐBSCL đều làm mân cơm cúng mừng tổ tiên, ông bà và mừng ngày đất nước được độc lập.

Dù là ngày Tết độc lập, nhưng từ lúc sáng sớm các thửa ruộng hai bên con lộ đi vào khu vực cánh đồng sản xuất lúa giống xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã vang lên tiếng người, tiếng máy bơm, máy xới đất.


Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa (Ảnh: KT)

Tại khu vực xã Đa Lộc có hơn 320 hộ, bà con chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng Việt GAP trên diện tích trên 300ha, trong đó có 10ha sản xuất lúa giống. Sau gần 5 năm thực hiện mô hình, năng suất lúa của bà con bình quân đạt 7 tấn/ha, cao hơn cả tấn so với trước đây, trong chi phí giảm 700.000đ/ha cho nên nếu đầu ra thuận lợi thì bà con có lại cao hơn ngoài mô hình từ 8 – 12 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Nhiều, người dân Đa Lộc cho biết: “Nông thôn bây giờ làm đường đai, đường nhựa thuận lợi, chứ trước đây đâu có. Cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn bà con canh tác; bà con nông dân bây giờ có 20 chục công là khấm khá rồi. Người nào ít ruộng thì con cái gửi tiền về cũng cất được nhà, nên nhà cửa bây giờ thay đổi nhiều lắm”.

Nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp Trà Vinh thường xuyên tăng cường đưa cán bộ kỹ thuật bám địa bàn, hướng dẫn nông dân phòng, trừ sâu bệnh, quản lý đồng ruộng tốt; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, giống…

Do vậy, sản lượng lúa của tỉnh Trà Vinh năm sau đều cao hơn năm trước, điển hình trong 2015 vừa qua sản lượng lúa của tỉnh đạt gần 2,4 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn 43.000 tấn so với năm trước, trong khi diện tích lại giảm gần trên 5.000 ha.

Ông Lê Văn Quân ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành - người có 2ha ruộng chuyên canh tác lúa chất lượng cao cho biết: “Vô cánh đồng mẫu lớn, bà con được tập huấn kỹ thuật, làm lúa giống cho nên năng suất cũng tăng. Trình độ làm lúa của bà con cao hơn trước. Bây giờ chỉ còn giá cả, nếu đầu ra khá lên thì làm giàu không giám nói, nhưng khá hơn trước nhiều”.

Mô hình cánh đồng lớn là hướng phát triển mang tính bền vững lâu dài trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo hàng hoá.

vấn đề này ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho cho biết: “Đối với việc chuyển đổi sang vùng lúa chất lượng cao, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ lúa giống cho bà con sản xuất. Nếu so sánh 1ha lúa chất lượng cao với 1ha lúa IR50404, thì lúa chất lượng cao lợi nhuận cao hơn cả chục triệu đồng. Do đó tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng. Thứ hai chỉ đạo cho các sở ngành tìm đối tác để mà bao tiêu sản phẩm cho bà con”.

ĐBSCL có diện tích trồng lúa khoảng 3,9 triệu ha, là vựa lúa lớn nhất của cả nước, hàng năm vùng này đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.

Những năm gần đây, phong trào cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc, máy móc nông cụ đã dần thay thế sức người ở tất cả các khâu đã giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả.

Như vậy sau 70 năm độc lập, nhà nông không còn lo về chuyện mất mùa, thiếu đói mà vấn đề đặt ra đối với họ là có thể làm giàu từ cây lúa./.

Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết