Tiếng Việt | English

27/09/2016 - 09:50

Nông dân khốn khổ vì khó kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp

“Hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang làm khổ nông dân! Nếu được, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn và quy trách nhiệm hình sự đối với hành vi này” - cử tri Lê Hữu Truyền, ngụ phường 3, thị xã Kiến Tường bức xúc khi Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại thị xã.

Kiểm soát các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản đang là vấn đề lớn, gặp nhiều khó khăn khi các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi; còn chế tài xử phạt lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Nông dân không phân biệt được đâu là hàng chất lượng hay kém chất lượng.


Những bông lúa nhiễm cổ bông nặng sau khi sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu

Người dân khó nhận biết và kiểm soát chất lượng

Anh Võ Thanh Tâm, ngụ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh hiện đang xuống giống hơn 2ha lúa vụ Đông Xuân sớm cho biết, năm nào, gia đình anh cũng tốn hàng chục triệu đồng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên theo anh, phần lớn nông dân đều không thể phân biệt hàng chất lượng hay không chất lượng.

“Đại lý nào cũng bán hàng loạt các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,... Chúng tôi đâu có kỹ năng để phân biệt. Ví dụ như phân bón có cả chục nhãn hàng, mình mua về bón cho cây lúa, có khi bón đúng theo hướng dẫn trên bao bì nhưng hiệu quả không đạt, phản ánh tới đại lý cũng không giải quyết được gì, vì mình đâu có cơ sở để nói loại phân ấy kém chất lượng” - anh Tâm nói.

Đồng thời, anh Võ Thanh Tâm cũng mong cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước khi đến tay nông dân.

Bên cạnh việc khó kiểm soát chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì hiện nay, nhiều đại lý vật tư nông nghiệp còn lợi dụng việc thiếu hiểu biết của người dân để tư vấn bán thêm thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng doanh thu. Việc cộng dồn nhiều loại thuốc để phòng trừ sâu bệnh dẫn đến không ít trường hợp nông dân chịu thiệt thòi khi tiền mất mà bệnh trên lúa không hết, năng suất lúa cũng giảm theo.


Người dân chỉ biết phun xịt chứ không có kiến thức để phân biệt hàng hóa chất lượng hay kém chất lượng

Gia đình ông Nguyễn Văn Hoa, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - một trong những hộ dân bị ảnh hưởng cho biết: “Vụ lúa Hè Thu vừa qua, gia đình tôi xuống giống 7ha. Khi lúa bắt đầu trổ bông, để bảo đảm năng suất, chất lượng, gia đình tôi liên hệ đại lý quen H.B tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường mua thuốc về phòng ngừa bệnh đạo ôn cổ bông. Chủ đại lý giới thiệu cho gia đình tôi dùng hỗn hợp 5 loại thuốc của 3 công ty về trừ bệnh. Gia đình tôi làm như theo hướng dẫn của đại lý; tuy nhiên, sau 4 ngày, gần 7ha lúa của gia đình tôi bị nhiễm đạo ôn cổ bông nặng."

"Ngay lập tức, gia đình tôi báo về đại lý nhưng phía đại lý H.B lại “phủi tay” không chịu trách nhiệm, trong khi trung bình một năm, gia đình tôi mua thuốc, phân bón của đại lý cả trăm triệu đồng. Về phía các công ty sản xuất thuốc khẳng định, việc gia đình tôi cùng một lúc sử dụng nhiều loại thuốc để đặc trị bệnh trên lúa sẽ không hiệu quả nên không đồng ý giải quyết, hỗ trợ” - ông Nguyễn Văn Hoa cho biết thêm.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, hiện nay, trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất khó để xử lý. Các mặt hàng thuốc, phân bón được cấp phép lưu hành quá nhiều trong khi lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra lại quá mỏng. Nhiều đại lý vì ham lợi nhuận thường bán thêm nhiều loại thuốc trong khi chỉ cần dùng một nhãn hàng thuốc là có thể phòng trừ được.

Ông ví dụ: “Cũng là bệnh đau đầu, chỉ cần uống 1 viên thuốc đặc trị là hiệu quả, song nhiều bác sĩ lại bán theo liều với 5, 7 loại thuốc. Trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cũng vậy, nếu kết hợp không đúng cách hoặc không theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ dẫn đến việc các loại thuốc phản ứng hóa học với nhau, gây mất công hiệu đặc trị”.


Đoàn kiểm tra lấy mẫu rau màu để kiểm tra dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Phát hiện hàng loạt các vi phạm

Từ phản ánh của người dân và trong khi tiến hành thanh tra, kiểm tra rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lực lượng chức năng ghi nhận hàng loạt vi phạm trong kinh doanh, một số quy định trong kiểm tra, xét nghiệm hiện nay còn chồng chéo, gây khó khăn.

Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Toàn, hiện nay, việc quy định nếu kiểm tra lấy mẫu phát hiện hàm lượng các chất trong phân bón không đủ theo quy định (hàng kém chất lượng) nhưng phía lực lượng thanh tra không được xử lý ngay. Trong khi đó, phía doanh nghiệp có quyền phúc kiểm lại lần 2, mà rất nhiều trường hợp phúc kiểm lần 2 là kết quả “khác liền”. Hoặc nếu kết quả là hàng kém chất lượng đi chăng nữa thì thời gian chờ kết quả, cửa hàng đã bán sạch ra thị trường.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra còn có sự tiếp tay, thiếu trung thực của một số cán bộ làm công tác chuyên ngành. Ví dụ như đầu năm 2015, vụ việc sửa kết quả phân bón không đạt chất lượng thành đạt chất lượng tại Đội Quản lý thị trường số 7, tạo điều kiện cho hàng tấn phân bón kém chất lượng tiêu thụ trót lọt ngoài thị trường khiến dư luận không khỏi bất bình.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, trong quá trình tổ chức thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, một số sai phạm thường tập trung về điều kiện kinh doanh, phân bón, giống không đạt chất lượng so với công bố hoặc một số sản phẩm hết hạn sử dụng nhưng vẫn được các cửa hàng bán cho nông dân. Đáng lưu lý, hiện nay, một số doanh nghiệp sau khi được cấp phép lưu hành, quá trình sản xuất thường ghi dư đối tượng phòng trừ so với đăng ký.

Ông cho hay: “Trong quá trình kiểm tra, một số mặt hàng theo đối chiếu danh mục được cấp phép chỉ có tác dụng phòng trừ trên cây lúa nhưng các doanh nghiệp còn ghi thêm một số giống cây khác như đậu, bắp,... Theo quy định, một loại thuốc thường có tác dụng đối với một loại sâu bệnh, nhưng có khi để tăng doanh thu, các nhà sản xuất thường ghi thêm một vài đối tượng phòng trừ khác, đánh lừa người tiêu dùng”.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, các lực lượng thanh tra trong toàn ngành tổ chức 30 đợt kiểm tra đối với 1.411 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn tỉnh, phát hiện 142 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 840 triệu đồng.


Sau khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhiều trường hợp không mang lại hiệu quả

Còn trong lĩnh vực thú y, thủy sản, theo Phó phòng Thanh tra Chi cục Thú y - Nguyễn Ngọc Tấn, từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra của Chi cục tiến hành kiểm tra tại tất cả các điểm kinh doanh, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Vĩnh Hưng, Kiến Tường; tuy nhiên, chưa phát hiện hoạt động buôn bán chất cấm trong thú y, thủy sản. Đối với vụ việc vận chuyển 440kg hóa chất không rõ nguồn gốc được phát hiện gần đây, về phía Chi cục đang tiến hành làm văn bản gửi Sở NN&PTNT để trình UBND tỉnh phương án tiêu hủy theo quy định.

Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Toàn kiến nghị: “Các cấp thẩm quyền cần xem xét tăng thật nặng chế tài xử phạt đối với các vi phạm hoặc nếu cần, có thể rút giấy phép sản xuất nhằm tăng tính răn đe; chứ xử phạt theo quy định hiện nay chẳng khác gì “gãi ngứa”, nhà sản xuất sẵn sàng vi phạm và chịu mức phạt”.

Bên cạnh đó, để kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong các mặt hàng nông nghiệp, ông cũng cho rằng, các cơ quan chuyên môn cấp bộ cần tăng cường quản lý từ gốc và truy xuất nguồn gốc đối với những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, sản xuất hóa chất có thể sử dụng trong nông nghiệp. Đồng thời, số điện thoại đường dây nóng 0936.387.6240723.525.863 của Thanh tra Sở luôn sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin phản ánh của người dân khi nghi ngờ các trường hợp vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, thủy sản./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích