Tiếng Việt | English

06/03/2018 - 14:06

Nông dân lo không bán được mía vì đường tồn kho

Giá mía phụ thuộc trực tiếp vào giá đường. Giá đường thấp, tồn kho khó tiêu thụ như ở ĐBSCL hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá mía vụ này.

Trước thông tin cả nước hiện còn khoảng 200.000 tấn đường tồn kho, trong đó Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tại tỉnh Hậu giang chiếm gần 30.000 tấn đã khiến không ít nông dân trồng mía lo lắng. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, giá mía phụ thuộc trực tiếp vào giá đường. Đường giá thấp, tồn kho khó tiêu thụ như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cả cây mía trong vụ sản xuất này.

Tỉnh Hậu Giang là vùng mía nguyên liệu lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long

Hậu Giang là tỉnh có diện tích mía lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long với gần 11 ngàn ha, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho hai doanh nghiệp sản xuất đường trong tỉnh là Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ  Casuco.

Những năm trước, mặc dù thị trường đường đôi lúc có biến động nhưng đa phần là ở mức các doanh nghiệp bảo đảm có lời. Tuy nhiên với giá đường xuống thấp như hiện nay, với giá bán buôn chỉ còn từ 12.000 - 12.500 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 15.000 đồng/kg và rất khó tiêu thụ đã khiến cho nhiều nông dân trồng mía lo lắng.

Anh Trần Văn Út ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, giá mía năm ngoái là 1.000 đồng/kg, nếu năm nay giá sụt hơn nữa thì nông dân lỗ nặng bởi bây giờ phân bón, nhân công đều cao.

Trước thực trạng Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) còn tồn gần 30.000 tấn đường khó tiêu thụ, Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh hưởng ứng, ủng hộ tiêu thụ lượng đường tồn kho này nhằm giúp cho doanh nghiệp cũng như ngành mía đường vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết được vấn đề trước măt, thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ hơn để giảm giá thành sản xuất, khi đó mới có thể vực dậy được ngành mía đường.

Ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ - phân tích: Việc sản xuất trong thời gian vừa qua rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tổ chức thành quy mô sản xuất lớn vì vậy chưa thể áp dụng cơ giới hoặc sản xuất đồng loạt giống mía trên cùng một khu vực.

Bên cạnh đó, trong chi phí sản xuất mía thì có đến 60% là chi phí nhân công. Do vậy, nếu nông dân cứ tiếp tục làm thủ công, manh mún, nhỏ lẻ thì khó có thể  giảm được chi phí sản xuất mía, ông Vinh cho hay./.

Tấn Phong/VOV.VN

Chia sẻ bài viết