Tiếng Việt | English

23/01/2020 - 08:44

Nông dân Long An thời 4.0

Thời đại 4.0, nông dân chủ động áp dụng công nghệ, thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản, tiết kiệm chi phí. Hãy cùng tìm hiểu những cách làm hay, phương pháp mới trong sản xuất của những nông dân thời 4.0!

Ông Đỗ Cao Chí - chủ trang trại nuôi trên 300 con bò giống nhập của Mỹ tại ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa

Trang trại nuôi bò ứng dụng công nghệ cao của ông Đỗ Cao Chí

Trang trại nuôi bò ứng dụng công nghệ cao của ông Đỗ Cao Chí

Trang trại của ông Đỗ Cao Chí trải dài trên diện tích gần 10ha, nằm cặp kênh T7. Trong đó có 7ha trồng cỏ vua và đang từng bước thay bằng trồng cỏ sả lá rộng để làm thức ăn cho bò, đây là loại cỏ mới được lai tạo có tốc độ sinh trưởng nhanh (khoảng 45 ngày là thu hoạch). Đặc biệt, giống cỏ sả lá rộng thích nghi khá tốt với vùng đất xã Tân Thành bị nhiễm phèn nặng. Anh Nguyễn Văn Tí - nông dân trồng cỏ tại trang trại, chia sẻ: “Giống cỏ mới thích nghi rất tốt với vùng đất này, chất lượng dinh dưỡng của cỏ sả lá rộng tốt hơn hẳn giống cỏ vua mà nông dân địa phương thường trồng (60 ngày mới thu hoạch). Khi mới trồng, 1 ngày chỉ tưới 1 lần, khoảng 4-5 ngày cỏ lên chồi thì không cần tưới thường xuyên, vài ngày mới tưới 1 lần”.

Hiện nay, anh Tí và các lao động trong trang trại nuôi bò của ông Chí đều sử dụng máy móc từ khâu tưới, chăm sóc, thu hoạch và cho bò ăn cũng như dọn phân. Giống bò mà ông Chí nuôi có thể hình lớn, nhập khẩu từ Mỹ. Hiện ông Chí chú trọng khâu nhân giống để cung cấp cho người nuôi trong và ngoài địa phương.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành - Trần Ngọc Sung

Vườn ươm giống cây trái có giá trị kinh tế cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tân Thành

Vườn ươm giống cây trái có giá trị kinh tế cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tân Thành

“Hợp tác xã (HTX) được thành lập vào tháng 6-2018, tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, đến nay có 11 thành viên, các thành viên HTX chuyên trồng na Thái với diện tích gần 40ha. Chỉ sau vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy lợi nhuận từ trồng na Thái vượt trội so với các loại cây khác trong vùng” - ông Sung cho biết. Ông là người đầu tiên học tập kỹ thuật trồng na Thái từ ông Lê Văn Thảo - chủ vườn ươm cây trái ở Bến Tre. Được biết, hiện ông Thảo cũng thuê gần 20ha để ươm cây giống trên vùng đất rộng lớn của xã Tân Thành.

Theo ông Sung, để trồng na Thái hiệu quả, nông dân phải thực hiện đúng kỹ thuật trồng, bón phân đều, đủ và đặc biệt phải áp dụng hệ thống tưới hiện đại, nhỏ giọt thì cây mới phát triển tốt. Cây na Thái ít bệnh, tuy nhiên, nông dân phải thường xuyên theo dõi khi cây mới chớm bệnh, kịp thời xử lý, không để dịch bệnh phát triển. Các thành viên HTX không sử dụng phân, thuốc hóa học mà chỉ sử dụng phân, thuốc hữu cơ để có sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. Hàng tháng, các thành viên HTX đều gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Điều đáng mừng là HTX đã có trụ sở và kho tại Đường tỉnh 818, rất thuận lợi trong khâu tiếp thị sản phẩm và bán cây giống.

Ông Lê Phước Tồn - thành viên Hợp tác xã Rau Mười Hai, ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước

Vườn rau của ông Lê Phước Tồn sử dụng hệ thống  tưới tự động và điều khiển từ xa

Vườn rau của ông Lê Phước Tồn sử dụng hệ thống tưới tự động và điều khiển từ xa

Từ khi tham gia HTX, các thành viên đều ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng, thu hoạch và sơ chế rau để tiêu thụ theo đúng quy trình đề ra. Hiện vườn trồng rau của ông Tồn có hệ thống tưới và nhà lưới khép kín, đa số đều cơ giới hóa từ khâu làm đất đến tưới nước, riêng việc rải phân hữu cơ thì ông vẫn phải làm thủ công vì chưa trộn phân với nước. Sắp tới, ông sẽ đề xuất HTX tìm cách tưới phân qua péc phun, tiết kiệm nhân công và thời gian rải phân.

Hiện nay, ông Tồn đầu tư máy tưới hiện đại, một số camera và phần mềm điều khiển tưới rau từ xa trên điện thoại di động để khi bận việc thì vẫn có thể tưới rau và quan sát khu vườn của mình.

Từ khi tham gia HTX, các thành viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau nên năng suất tăng cao hơn trước, sản phẩm có đầu ra ổn định. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nên năng suất tăng, nhân công giảm, lợi nhuận tăng. Hàng năm, vợ chồng ông Tồn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn rau ứng dụng công nghệ cao./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết