Tiếng Việt | English

02/03/2016 - 20:31

Bến Lức-Long An:

Nông dân lưu ý khi lấy nước tưới chanh vào mùa khô

Bước vào mùa khô 2016, dự báo nước trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ cầu Bến Lức đến cầu Đức Hòa ở xã Thạnh Lợi, độ mặn dao động từ 8-15‰ trong tháng 3 đến tháng 4, do đó, diện tích trồng chanh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngay từ lúc này, nông dân trồng chanh cần có biện pháp dự trữ nước và điều chỉnh kỹ thuật bón phân, chăm sóc phù hợp.

Theo khuyến cáo của Viện Cây ăn quả miền Nam, trong điều kiện thiếu nước tưới, đất bị nhiễm phèn, mặn thì biện pháp tốt nhất là bón vôi nung (CaO). Bón vôi không chỉ cung cấp chất canxi cần thiết cho chanh mà còn có tác dụng ngăn sự suy thoái của đất, khử tác hại của mặn, ức chế sự phát triển nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực phân hữu cơ, vô cơ và thuốc diệt cỏ. Nếu thiếu canxi, chanh yếu cây, dễ ngã, trái hay bị nứt, đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô.

Ngoài ra, canxi còn giúp cây trồng giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi như nắng nóng, nước nhiễm phèn, mặn. Để hạn chế tác hại của nước nhiễm mặn, nông dân có thể bón 30-50kg vôi nung cho 1.000m2 bằng cách rải đều trên mặt liếp chanh rồi tưới nước ngọt vào để rửa mặn ra khỏi đất.

Sau khi bón vôi cần bón thêm phân hữu cơ vì đối với cây chanh trên đất phèn thì phân hữu cơ giữ vai trò hết sức quan trọng, giúp cải thiện chất lượng đất, làm tăng độ phì, tăng hàm lượng chất hữu cơ, tăng khả năng giữ nước, giữ phân, cải thiện cấu trúc, độ ẩm đất và thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong đất.

Đặc biệt trong tình trạng mùa khô thiếu nước và nước bị nhiễm mặn thì vai trò giữ nước của phân hữu cơ hết sức quan trọng. Nông dân nên bón từ 5-10kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 2-3 bao phân gà hoai mục cho 1 gốc chanh 2-3 năm tuổi.

Đối với các loại phân bón sử dụng trong giai đoạn này, nên chọn loại phân đạm gốc amon (NH4+), các loại phân lân dễ tiêu như: Lân Văn Điển hoặc phân DAP, MAP, MKP, các loại phân có chứa silic và canxi. Ngoài ra cần bón thêm xơ dừa và tro trấu theo tỷ lệ 1-1 để tăng khả năng giữ ẩm, kết hợp cắt tỉa tạo tán cho vườn chanh, loại bỏ các cành già, cành sâu bệnh để giảm áp lực nhu cầu nước tưới; che phủ đất bằng rơm rạ, cỏ khô; nạo vét kênh, mương xung quanh ruộng chanh; sửa chữa hệ thống cửa cống thoát nước để trữ nước ngọt và tránh làm dậy phèn. Ở các cửa cống lấy nước nên đặt các bao vôi nung và tro trấu cho nước chảy qua để rửa phèn và rửa mặn.

Người trồng chanh cần theo dõi thường xuyên thông tin về diễn tiến nguồn nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ lấy nước vào vườn chanh khi được thông báo độ mặn từ 2-3‰. Tuyệt đối không lấy nước vào ruộng khi độ mặn nước từ 5‰ trở lên vì chanh sẽ chết và đất bị nhiễm mặn lâu dài mà không có cách gì rửa mặn hiệu quả được.

Nếu buộc phải dùng nước bị nhiễm mặn nhẹ để tưới thì lưu ý không phun trên lá, tốt nhất tưới thấm qua đất, nhất là giai đoạn chanh mới ra hoa và đọt non, không được giữ nước trong mương quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn trong đất./.

Bùi Thị Kiều Oanh

Chia sẻ bài viết