Tiếng Việt | English

20/02/2018 - 10:05

Nông dân với mong ước đầu năm

Năm cũ đi qua với không ít khó khăn, bất lợi cho nhà nông về thời tiết, biến động giá cả vật tư đầu vào, đầu ra nông sản chưa ổn định,...Qua đầu năm mới Mậu Tuất 2018, với những người quanh năm chân lấm tay bùn, ước mong cho năm mới, ngoài mưa thuận, gió hòa là tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, được nhà nước hỗ trợ, để bảo đảm đầu ra.

Nông dân mong muốn trúng mùa, trúng giá

Một vụ mùa thắng lợi

Câu chuyện đầu năm mới bắt đầu từ gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (xã Long Trì, huyện Châu Thành), người nhiều năm gắn bó với cây thanh long. Ông Bảy chia sẻ: “Những ngày tết, mọi người đều đón chào năm mới thật vui tươi, đầm ấm. Vì năm vừa qua, nhờ mưa thuận gió hòa nên rất thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng. Không những vậy, giá cả ổn định góp phần rất lớn trong việc giúp nông dân chúng tôi an tâm sản xuất. Hiện diện tích thanh long của gia đình phát triển tốt và cho thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống. Năm nay, mọi người đều hy vọng mọi thứ sẽ thuận lợi, nhất là giá cả để an tâm sản xuất”.

Ngoài thanh long, đối với nông dân trồng rau, tiêu thụ cũng là một vấn đề rất quan trọng. Anh Phan Thanh Tùng (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) mong muốn sẽ có thị trường thông thoáng, công bằng hơn, tránh hiện tượng chèn ép giá khiến người dân thiệt thòi. 

Theo anh Tùng, mặc dù đón tết cổ truyền của dân tộc nhưng từ trước tết tới giờ cả nhà anh luôn bận rộn chăm sóc rau để phục vụ thị trường sau tết. Vì vậy, dù trong những ngày tết nhưng các thành viên trong gia đình anh vẫn phải thay phiên nhau chăm sóc rau để khỏi phải lo lắng vì mất mùa.

Nông dân chăm sóc rau trong những ngày tết để kịp phục vụ thị trường sau tết

Nhiều chính sách hỗ trợ

Không chỉ người nông dân tại các huyện vùng hạ của tỉnh tích cực ra đồng chăm sóc, bảo vệ các loại cây trồng với kỳ vọng vào một mùa xuân mới, vụ thu hoạch sắp tới sẽ mang lại những mùa vàng bội thu. Người trồng lúa tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng thường xuyên thăm đồng, chăm lo sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Hưng Phú (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) - Lưu Văn Hoài cho biết: “Trong thời gian qua , việc sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi; được các cấp, các ngành quan tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người dân như các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser,...Để lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành phải có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá hơn. Tôi kiến nghị tỉnh có nhiều chính sách hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường hơn nữa việc đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình ra trên diện rộng, cần kêu gọi, liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra để giúp nông dân tăng năng suất, thu nhập trên diện tích canh tác, tiếp tục đầu tư hạ tầng phục sản xuất nông nghiệp…”

Nông dân sản xuất theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”

Theo anh Võ Văn Thông (xã Tân Phú, huyện Đức Hòa): "Chăn nuôi bò hiện nay gặp không ít khó khăn do dịch bệnh và giá cả biến động theo chiều hướng giảm, khâu tiêu thụ nhiều khi bấp bênh, không ổn định. Trong năm qua, không ít địa phương nông dân điêu đứng vì dịch bệnh. Năm nay, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là phương pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi để mở rộng quy mô trang trại, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội".

Người chăn nuôi mong muốn tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn

“Đâu đâu nông dân đều có chung một ước vọng là năm nay mưa thuận gió hòa để mọi người có niềm vui được mùa và cuộc sống sẽ ấm no hạnh phúc hơn. Hy vọng những mong ước chính đáng của nông dân chúng tôi sẽ thành hiện thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển và đời sống người dân ngày càng khởi sắc” - anh Thông nói thêm./.

Huỳnh Phong – Văn Đát

Chia sẻ bài viết