Tiếng Việt | English

17/08/2016 - 16:31

Nông dân vượt khó

Từ hai bàn tay trắng, với bản tính cần cù, chịu khó, ông Trần Văn Bé - người Bộ đội Cụ Hồ năm xưa giờ là một “triệu phú” nông dân với cuộc sống ấm no, sung túc bên gia đình nhưng không quên sẻ chia cùng cộng đồng, xã hội.

Ông Trần Văn Bé (SN 1963), ngụ ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thuở nhỏ nhà nghèo, dù rất muốn được tiếp tục đến trường nhưng chỉ vừa hết lớp 7 thì con đường học vấn phải “gãy ngang” để phụ giúp gia đình. Sau khi xuất ngũ năm 1986, ông trở về quê làm ruộng, chăn nuôi để ổn định cuộc sống.


Nông dân Trần Văn Bé và con trai

Vốn tính siêng năng, cần cù, chẳng bao lâu, ông dành dụm được một khoản tiền nhỏ rồi mua máy cày cũ đi cày mướn. Địa bàn ông thường đi cày là Long Thạnh, Long Thuận,... đất đai hoang hóa, khó cải tạo. Ngày qua ngày, làm đủ mọi công việc, chẳng nề hà vất vả, ngày càng được khách hàng tin tưởng, ông có thêm thu nhập và tích góp dần mua thêm đất canh tác. Bên cạnh trồng lúa, ông còn cùng người dân trong xã thành lập tổ hợp tác cho thuê máy gặt đập liên hợp và sấy lúa. Đến thời điểm này, ông có trong tay hơn 16ha đất, cuộc sống ổn định, con cháu thảo hiền, gia đình hòa thuận.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn rất quan tâm đến cuộc sống cộng đồng. Ở địa phương, nhắc đến ông “Hai Bé”, người dân ở đây ai cũng ấn tượng vì ông và người cháu dám “cầm” sổ đỏ để làm đường, xây cầu. Trước năm 2000, người dân khu vực ấp Cầu Lớn muốn lên thị trấn hoặc trụ sở UBND xã thì phải đi xuồng, rất bất tiện và nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão. Đến khi có con đường đất T11 thì người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, những lúc trời mưa, đường lầy lội dễ xảy ra tai nạn. Ông Bé “đánh liều” lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1ha) đi vay 40 triệu đồng rồi vận động thêm người cháu họ là anh Trần Thanh Thiền vay 100 triệu đồng, được người dân đồng lòng ủng hộ.

Cuối cùng, 2 tuyến đường trải đá xanh dài trên 3km (đường kênh T11 và bờ Nam kênh Kháng Chiến nối xã Mỹ Lạc và Mỹ Thạnh) cùng 2 cây cầu bêtông kiên cố với tổng kinh phí trên 550 triệu đồng ra đời (chưa kể ngày công đóng góp). “Lúc đó, thực sự tôi cũng nôn nóng, sợ mùa nước nổi thì làm cầu không kịp nên mạnh dạn đi vay vốn ngân hàng. Muốn người dân tin tưởng, mình vận động “chay” thì không đủ thuyết phục, phải làm gương thì dân mới tin và đồng lòng ủng hộ vì lợi ích chung. Có đường, có cầu đi lại, người lớn đi làm an toàn, tụi nhỏ đi học không sợ mưa gió trơn trượt, bà con ai cũng phấn khởi” - ông chia sẻ.

Được biết, ông còn là người đi đầu trong việc vận động làm công tác xã hội, tặng quà, giúp đỡ người nghèo tại địa phương. Vốn xuất thân nghèo khó, ông dễ dàng cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn. Chút quà nhỏ, nhưng đó là tấm lòng thơm thảo, thể hiện cái tình giữa người với người. Với những thành quả trong công việc và tấm lòng với công tác xã hội, ông nhiều lần nhận bằng khen của UBND tỉnh, UBND huyện về thành tích trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cùng những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Mới đây, ông còn được Hội Nông dân huyện Thủ Thừa đề xuất nhận bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền từ 2012-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Giờ đây, các con trưởng thành và ổn định cuộc sống, nhưng ông vẫn không ngơi nghỉ mà lúc nào cũng tất bật với ruộng vườn, đồng áng. Với ông, dù dư dả bao nhiêu thì vẫn phải “tay làm, hàm nhai”, cái chất phác, cần cù của người nông dân cùng sự kiên trì, bền chí của người lính Cụ Hồ giúp ông vượt qua khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp, mang đến thành công ngày hôm nay./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết