Tiếng Việt | English

05/01/2017 - 10:58

Nông hộ chăn nuôi lợn khốn đốn vì thương lái Trung Quốc giảm mua

Nông dân chăm sóc đàn lợn nái tại Hưng Yên. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Việc phát triển chăn nuôi lợn “quá nóng” thời gian gần đây đang làm mất cân đối “cung - cầu,” gây hệ lụy không nhỏ đối với lĩnh vực chăn nuôi trọng yếu này.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam trong tháng 12/2016 duy trì ở mức thấp do nguồn cung dồi dào và thương lái Trung Quốc giảm mua.

Cụ thể, so với tháng 11/2016, giá thu mua lợn hơi tháng 12/2016 tại Đồng Nai đã giảm 2.000-4.000 đồng/kg và chỉ còn 37.000 đồng/kg, tại An Giang cũng giảm 1.000 đồng/kg và chỉ còn giá 38.000 đồng/kg, Vĩnh Long đã giảm 2.000 đồng/kg và hiện có giá là 39.500 đồng/kg.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho biết, nhìn lại cả năm 2016, giá thu mua lợn hơi có nhiều biến động trái chiều.

“Từ đầu năm cho đến giữa tháng 5/2016, thị trường lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như nội địa tăng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2016, Trung Quốc đột ngột ngừng nhập lợn hơi qua đường tiểu ngạch do tăng cường công tác kiểm soát kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa, khiến giá lợn hơi tại Việt Nam bắt đầu giảm,” Đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Giá rớt thảm tại Đông Nam Bộ

Báo cáo các địa phương cũng cho biết, hiện nay giá lợn hơi ở nhiều tỉnh thuộc Đông Nam Bộ đang xuống rất thấp, với mức trên dưới 33.000 đồng/kg, thậm chí có vùng giá lợn hơi còn “rớt thảm” xuống dưới 30.000 đồng/kg. Đây được cho là mức giá thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Mức giá này so với thời điểm tháng 9/2016 (42.000 đồng/kg - 43.000 đồng/kg) thì giá thịt lợn hơi đã giảm mất 9.000 – 10.000 đồng/kg, còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn hơi thời điểm hiện tại đã giảm mất gần 15.000 đồng/kg.

Người nuôi lợn ở nhiều địa phương đang rất lo lắng, đặc biệt là các mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, bởi mức giá như trên không đủ bù chi phí sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho hay, do việc đầu tư của chăn nuôi lợn rất cao, hơn nữa vòng đời dài, bình quân đầu tư 20-30 triệu đồng cho một con lợn nái ngoại, thời gian khai thác khoảng 3 năm. Ngoài ra, nếu chi phí thức ăn chăn nuôi cao thì người nuôi càng phải đầu tư nhiều.

“Do đó, vấn đề này Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo các địa phương chỉ đạo không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá (ngay cả trong những thời điểm giá lợn hơi tăng cao trên 50.000 đồng/kg) mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt lợn của Việt Nam,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

“Nếu tình hình này kéo dài, thì các hộ chăn nuôi như thế này sẽ khó có thể tồn tại được,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám chia sẻ.

Đa dạng hóa phương thức chăn nuôi

Trước tình hình trên, nhằm giảm thiểu áp lực khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương.

“Việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái. Đặc biệt, Bộ chủ trương khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ.

Nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn bổ sung men vi sinh ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị các địa phương khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội với các hộ chăn nuôi./. 

Thanh Tâm/Vietnam+

Chia sẻ bài viết