Tiếng Việt | English

16/06/2018 - 15:00

Nông nghiệp thông minh - Mục tiêu và giải pháp

Ngày 16/6, Hội thảo “Nông nghiệp thông minh - Mục tiêu và giải pháp” được tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ “Lễ hội Lúa gạo và Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" lần I-2018 tại Long An. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và các tỉnh thuộc ĐBSCL dự hội thảo.

Đại biểu dự hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo. Từ đó, đề ra giải pháp phát triển nền nông nghiệp thông minh tại vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Long An nói riêng trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển lãm tại hội thảo

Tại hội thảo, một số nhà khoa học và doanh nghiệp giới thiệu các tiến bộ sinh học, khoa học kỹ thuật, sản phẩm và giải pháp công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL. Trong đó, nông dân cần tập trung đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ phù hợp từng địa phương, tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, kết hợp xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản chủ lực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng một trong những quyết sách lớn, được xem là nhiệm vụ chiến lược của ngành nông nghiệp những năm gần đây là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ĐBSCL là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của cả nước, trong đó lúa gạo, trái cây, thủy sản là những sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói chung, trong đó có tỉnh Long An, đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, khả năng cạnh tranh thấp.

Theo ông, hội thảo là dịp để nông dân trực tiếp giao lưu, trao đổi, chuyển giao các tiến bộ, công nghệ, giải pháp mới để cùng hợp tác, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Dịp này, Công ty Cổ phần Cơ khí chế tạo máy Long An (Lamico) và DNTN Giàu Thanh Hồng (Tiền Giang) ký kết hợp đồng cung cấp và lắp đặt dây chuyền xát trắng, đánh bóng với công suất 8 - 12 tấn gạo lức/giờ; giá trị hợp đồng trên 6,5 tỉ đồng./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết