Tiếng Việt | English

13/06/2017 - 10:48

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao -Tạo đà phát triển kinh tế

Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhận thức của nông dân, các thành viên trong tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) về việc sản xuất sạch, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế, nhất là sản xuất theo chuỗi nhằm bảo đảm đầu ra có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án này còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc của nông dân và các HTX.


Trồng rau an toàn mang lại lợi nhuận cao

Kết quả bước đầu

Đề án lựa chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch), phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Long An có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên các sản phẩm chủ lực: 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện: Đức Hòa, Đức Huệ.

Thực hiện đề án, đối với cây lúa, bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, năm qua, có khoảng 1.350ha lúa ƯDCNC trong sản xuất, trong đó sử dụng máy cấy 350ha, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser 1.000ha và có bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, năm 2016, ngành nông nghiệp rà soát, tổng hợp các danh mục công trình thủy lợi trong vùng dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC để báo cáo tỉnh cho chủ trương đầu tư. Riêng huyện Thạnh Hóa chủ động tổ chức trình diễn 2 mô hình điểm về sản xuất ƯDCNC (cấy lúa bằng máy) tại xã Tân Tây (22,8ha) và Tân Đông (19,15ha).

Giám đốc HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Những mô hình sản xuất ƯDCNC góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Việc sản xuất lúa ƯDCNC giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống, ít sử dụng nhân công nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, sự liên kết “4 nhà” được phát huy, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí sản xuất, đầu ra sản phẩm ổn định nhờ chất lượng cũng như hợp tác với doanh nghiệp thu mua. Thời gian tới, HTX tiếp tục thực hiện ƯDCNC trên diện tích rộng thông qua công tác tuyên truyền xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất giảm thất thoát - chi phí, giá thành, sản xuất đạt chứng nhận an toàn gắn với xây dựng cánh đồng lớn”.


Cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất làm giảm thất thoát - chi phí, giá thành

Về cây rau, tỉnh xác định vị trí, ranh giới của vùng sản xuất rau ƯDCNC, cụ thể trên địa bàn 18 xã của các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai xây dựng được 86,4ha sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất rau với 249 hộ tham gia tại 4 HTX và 4 THT trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa. Nhìn chung, các mô hình mang lại hiệu quả, lợi nhuận trên 37,5 triệu đồng/1.000m2/2 vụ. Đồng thời, tỉnh cấp giấy xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi cho 3 HTX rau: Phước Hòa (huyện Cần Đước), Phước Hiệp (huyện Cần Giuộc), Tân Hiệp (huyện Đức Hòa) để cung ứng cho thị trường TP.HCM; tổ chức cho 3 HTX này tham gia Phiên chợ nông sản an toàn tại TP.HCM và hỗ trợ tái chứng nhận VietGAP.

Đối với thanh long, những năm qua, diện tích trồng loại cây này của tỉnh liên tục phát triển và được xem là cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân từ 200-400 triệu đồng/ha/năm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà nói chung, đặc biệt là nông nghiệp huyện Châu Thành.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Châu Thành phối hợp Trung tâm Khuyến nông tổ chức triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, xác định ranh giới, vùng sản xuất thanh long CNC 2.000ha trên địa bàn 12 xã, thị trấn; phối hợp Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) II, Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức tập huấn cho cán bộ huyện, xã, thị trấn về Luật HTX và kỹ thuật sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực quản lý HTX và THT, quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho cán bộ chủ chốt xã, ấp và xã viên HTX.


Thanh long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bên cạnh đó, huyện triển khai xây dựng 4 mô hình “Nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của trái thanh long Châu Thành - Long An gắn với quy trình sản xuất thanh long đạt chứng nhận GAP”; phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản thẩm định hồ sơ hỗ trợ các HTX thanh long: Vạn Thành, Long Hội, Long Trì, Tầm Vu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đã chứng nhận 60,63ha của HTX Long Trì).

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, năm 2017, huyện phấn đấu thực hiện 685ha thanh long ƯDCNC với 1.848 hộ tham gia; tiếp tục vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nông dân tham gia thực hiện đề án; chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện phối hợp các cơ quan tỉnh, huyện, xã xây dựng 12 mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng 8 mô hình tưới tiết kiệm; triển khai kế hoạch thành lập HTX, THT sản xuất gắn với 2.000ha thanh long, cụ thể năm 2017, thành lập mới 5 HTX (ở xã Vĩnh Công, Thanh Phú Long, Hòa Phú, Bình Quới, Thanh Vĩnh Đông), 27 THT.

Riêng về chăn nuôi bò, thời gian qua, tỉnh điều tra, đánh giá hiện trạng ngành hàng bò thịt tại 2 huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, xác định vùng triển khai thực hiện tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện: Đức Hòa, Đức Huệ nhằm xác định thực trạng của vùng để có hướng chuyển giao ứng dụng cho phù hợp; có kế hoạch xây dựng THT, HTX trên địa bàn 2 huyện (đến năm 2020, có 19 THT, HTX).

Còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc thực hiện đề án của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh: “Đến nay, còn nhiều xã, nhất là các xã trong vùng triển khai thực hiện chương trình chưa nắm hết chủ trương, mục tiêu, quan điểm, nội dung tập trung triển khai thực hiện; thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt cho ngành nông nghiệp; các doanh nghiệp ngại đi thỏa thuận trực tiếp với nông dân; mặt khác, doanh nghiệp khi đến thỏa thuận hợp tác đòi hỏi yêu cầu cao (sản xuất sạch) mà người dân, THT, HTX chưa đáp ứng được.

Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC mang lại hiệu quả nhưng khi nhân rộng còn gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chủ yếu sử dụng định mức khuyến nông để thực hiện. Số HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả còn ít, chưa phát huy tốt vai trò tập hợp nông dân,...”.

Nguyên nhân do các HTX hoạt động hiệu quả gặp khó khăn nguồn vốn lưu động (phần góp vốn của các xã viên thường rất thấp), trong khi nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX rất nhiều nhưng khó tiếp cận (do thế chấp tài sản khi vay vốn). Về khách quan, đây là chương trình mới nên bước đầu triển khai còn nhiều lúng túng, nhất là việc xác định bước đi, lộ trình thực hiện. Sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết. Bình quân đất canh tác/hộ thấp, tâm lý người dân ngại vào THT, HTX, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Thiếu cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành hàng chủ lực làm vai trò đầu tàu dẫn dắt. Thiếu chuyên gia vừa am hiểu sâu thực trạng sản xuất của tỉnh, vừa có thể tư vấn tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình.


Trồng rau an toàn mang lại lợi nhuận cao

Vận động nông dân vào hợp tác xã

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Để thực hiện hiệu quả đề án, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1192/QĐ-UBND, ngày 31/3/2017 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 1296/QĐ-UBND, ngày 11/4/2017 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2017 làm cơ sở cho tỉnh triển khai trong năm 2017 và giai đoạn 2017-2020.

Thời gian tới, ngành phối hợp các ngành liên quan, địa phương trong việc triển khai thực hiện phát huy hiệu quả; tạo được nhận thức sâu sắc trong cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở; tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện chương trình, tổ chức họp dân công bố vùng sản xuất ƯDCNC trên từng xã để người dân biết, phối hợp thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia THT, HTX.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,... đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa các khâu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản hàng hóa được thuận lợi; lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có khả năng nhân rộng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân, trong đó, ưu tiên về công nghệ sinh học, công nghệ thâm canh, công nghệ thông tin và tự động hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổng hợp đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác cả trong và ngoài nước trong việc phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản của tỉnh./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết