Tiếng Việt | English

08/05/2018 - 11:26

Nông thôn “khát” nước sạch

Dù các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn nhưng nhiều nơi vẫn “khát” nước, nhất là nước sạch để sử dụng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) đạt 98%, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 45% (đạt 14 chỉ tiêu kỹ thuật) theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02: 2009/BYT) của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 01/12/2009.

Nước hợp vệ sinh về nông thôn

Cuộc sống ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng nước HVS của người dân ngày càng nhiều.

Người dân dùng lu lắng nước để sử dụng do thiếu nước sạch

Người dân dùng lu lắng nước để sử dụng do thiếu nước sạch

 “Trước đây, tôi bơm nước từ kênh, rạch lên để tắm, giặt, còn nấu ăn thì dùng nước mưa dự trữ. Mùa khô, nước mưa không đủ cũng phải lắng nước kênh, rạch để nấu ăn. Khi chính quyền đầu tư trạm cấp nước, tôi hiến đất để xây dựng. Từ đó, người dân nơi đây có nguồn nước HVS để sử dụng” - ông Nguyễn Thế Hùng, ngụ xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, chia sẻ.

Còn bà Hoàng Thị Huyền, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, cho rằng: “Chúng tôi không phân biệt nước sạch hay nước HVS, miễn có nước dùng là tốt rồi! Sử dụng nước sông, kênh, rạch ô nhiễm, không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, vì nhu cầu sử dụng nhiều nên thời gian qua, nước HVS vẫn chưa được cấp đầy đủ”.

“Khát” nước sạch

Sau nhiều năm nỗ lực, nước sạch đã về với người dân vùng hạ của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Cai, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, phấn khởi: “Bây giờ, chúng tôi được sử dụng nước sạch, bảo đảm chất lượng. Mùa khô này, gia đình tôi không phải lo lắng vì phải đổi nước như trước nữa”.

Thông tin từ UBND xã Phước Vĩnh Đông, ấp Vĩnh Thạnh cơ bản giải quyết được vấn đề nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, những ấp khác trên địa bàn vẫn thiếu nước. Người dân sử dụng nước giếng khoan nhưng chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Xã mong lãnh đạo huyện đôn đốc các đơn vị nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ một số dự án để sớm cấp nước cho người dân.

Từ nguồn lực của tỉnh, địa phương, nhiều công trình, dự án cấp nước được đầu tư, phục vụ người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có hạn nên số dự án được đầu tư còn ít, nước sạch vẫn chưa về ở một số nơi.

Là xã nông thôn mới nhưng đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại Bình Lãng, huyện Tân Trụ vẫn là con số không tròn trĩnh. Người dân nơi đây sử dụng nước HVS từ các trạm cấp nước, giếng khoan tập trung thay cho nguồn nước kênh, rạch trước đây. Ai cũng mong sớm được sử dụng nước sạch.

Ông Phạm Văn Bình, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, chia sẻ: “Nước sạch ở đây còn thiếu, người dân dùng giếng nước tập trung nhưng chỉ là nước HVS. Chúng tôi mong có nước sạch để sử dụng nhưng địa phương còn nhiều khó khăn. Giếng nước tập trung xuống cấp, bị nhiễm mặn, gia đình tôi vừa  hiến đất để khoan giếng mới, cấp nước cho các hộ dân trong ấp”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãng - Huỳnh Hữu Lợi, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS đạt 100%. Năm 2018, địa phương dự kiến xây mới, sửa chữa 5 giếng nước với kinh phí gần 1,5 tỉ đồng. Thời gian tới, để có nước sạch phục vụ người dân, xã kiến nghị kéo đường ống đấu nối vào đường ống dẫn nước sạch theo Đường tỉnh 833 và vận động người dân lắp đặt hệ thống lọc tại các giếng để nâng từ nước HVS lên nước sạch.

Kinh phí còn khó khăn nên giếng nước tại ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ dù được cải tạo nhưng chỉ có thể cấp nước hợp vệ sinh cho người dân

Kêu gọi xã hội hóa

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc xác nhận, nhiều hộ dân trên địa bàn vẫn thiếu nước sạch để sử dụng. Đặc biệt, vào mùa khô, 2 xã Tân Phước Tây, Nhựt Ninh thường bị thiếu nước cục bộ. Với nguồn kinh phí của địa phương, chỉ có thể cải tạo một số giếng nước trên địa bàn để nâng dần chất lượng nước. Về lâu dài, huyện chủ trương kêu gọi xã hội hóa để đầu tư nước sạch. Một số giếng nước hiện hữu thông qua đấu thầu giao lại cho đơn vị chuyên môn quản lý để cải tạo, nâng cấp chất lượng nước, đạt tiêu chuẩn nước sạch”.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đang đầu tư đường dẫn nước sạch về các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, những xã cuối nguồn: Tân Phước Tây, Nhựt Ninh, người dân dùng nước bị yếu, giá cao do đường ống xa, dẫn đến hao hụt. Huyện làm việc với  đơn vị cấp nước để khắc phục tình trạng này. Với những giải pháp trên, huyện  Tân Trụ sẽ khắc phục được vấn đề “khát” nước sạch của người dân trong thời gian tới.

Tại thị xã Kiến Tường, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khá cao. Bằng các nguồn lực, thị xã đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhiều công trình cấp nước trên địa bàn. Về xã Thạnh Hưng, người dân địa phương phấn khởi khi nhắc đến việc cấp nước. Trước kia, vùng này sử dụng nước kênh, sông là chính nhưng mấy năm gần đây không còn. Từ 0% hộ sử dụng nước sạch, đến nay, địa phương có gần 33% hộ dân được sử dụng.

Giếng nước ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn

Giếng nước ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn

Ông Nguyễn Văn Thảnh, ngụ ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng khoe: “Giếng nước gần nhà mới được xây dựng nên gia đình tôi có nước sạch sử dụng, không còn dùng nước kênh, sông như trước. Người dân nơi đây, ai nấy đều vui mừng”.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường – Võ Thanh Tòng, những năm gần đây, thị xã đầu tư nhiều công trình cấp nước (tất cả cấp nước sạch) cho người dân trên địa bàn. Đối với các phường, tỷ lệ  này khá cao, hầu như 100% hộ dân được dùng nước sạch. Tại các xã, chỉ có một số địa phương sử dụng nước sạch nhưng tỷ lệ rất thấp, chủ yếu dùng nước HVS. Thị xã tiếp tục đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới một số trạm cấp nước để phục vụ người dân. Về lâu dài, địa phương kêu gọi xã hội hóa để đầu tư cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn – Hà Văn Thiệp thông tin: “Tỉnh chú trọng việc đầu tư các công trình cấp nước trên địa bàn và những công trình đầu tư mới đạt chuẩn nước sạch theo quy định. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS, nước sạch tăng theo hàng năm. Tuy nhiên, kinh phí từ ngân sách còn hạn chế nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu sử dụng nước sạch, nhất là địa bàn nông thôn. Trung tâm tham mưu kế hoạch trung hạn, dài hạn phù hợp với nguồn lực của tỉnh để đầu tư trạm cấp nước. Ngoài ra, các địa phương chủ động cải tạo các hệ thống cấp nước và kêu gọi xã hội hóa việc này./.

Năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS trên địa bàn chiếm 96,4% (nước máy 72,4%, còn lại các nguồn khác), nước sạch đạt quy chuẩn 24,5%. Tỉnh đầu tư xây dựng gần 20 công trình cấp nước sạch với nguồn vốn khoảng 50 tỉ đồng. Năm 2018, dự kiến đầu tư 13 công trình cấp nước sạch (chuyển tiếp năm 2017) với nguồn vốn khoảng 50 tỉ đồng, đang chờ phê duyệt.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết