Tiếng Việt | English

04/04/2018 - 14:52

Nữ lương y hơn 20 năm khám, chữa bệnh miễn phí

Đến Khu dân cư ấp 4, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An hỏi Phòng khám Y học cổ truyền của lương y Nguyễn Thị Thủy, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn và khen ngợi hết lòng về nữ thầy thuốc tận tâm này.

Lương y Nguyễn Thị Thủy đang bắt mạch để chẩn đoán bệnh

Lương y Nguyễn Thị Thủy đang bắt mạch để chẩn đoán bệnh

Chữa bệnh bằng cả cái tâm

Hoàn thành khóa học Đông y (năm 1992), bạn bè ai cũng chọn nơi làm việc ổn định và có lương cao nhưng chị Thủy lại quay về quê, mở phòng khám riêng để khám, chữa bệnh (KCB) miễn phí cho người dân xã Bình Đức.

“Thấy ở xã, mỗi lần ai muốn đi khám bệnh phải lặn lội hơn 15km mới đến bệnh viện Bến Lức mà bệnh nặng thì khó có thể cứu chữa kịp thời, nên tôi quyết định mở phòng khám này để giảm bớt khó khăn cho người dân” - lương y Nguyễn Thị Thủy cho biết.

Tiếng lành đồn xa, đến nay phòng khám của lương y Thủy được nhiều người địa phương và các tỉnh: Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang,... đến KCB. Đặc biệt, có 2 trường hợp bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú và ung thư phổi được lương y Thủy chữa trị, sức khỏe ngày càng ổn định.

Lương y Nguyễn Thị Thủy kể: “Khi đến phòng khám của tôi, chị Đinh Thị Quỳnh Nga (42 tuổi), ngụ huyện Châu Thành, bị ung thư vú rất nặng, xuất hiện nhiều khối u lớn và đau nhức. Hơn 1 năm điều trị tại đây, sức khỏe của chị dần ổn định. Hiện tại, cứ 3 tuần 1 lần, chị đến đây lấy thuốc về uống, tất cả tiền thuốc đều miễn phí.

Còn anh Nguyễn Trọng Hải (32 tuổi), ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa bị ung thư phổi, đến phòng khám của tôi điều trị 9 tháng sức khỏe của anh cũng dần ổn định, có thể đi làm phụ giúp gia đình. Hiện nay, mỗi tuần, anh đến phòng khám lấy thuốc miễn phí về uống”.

Hàng ngày, phòng khám của chị mở cửa từ 7 đến 17 giờ để đón bệnh nhân đến KCB. Phòng khám chỉ vỏn vẹn hơn 40m2 nhưng mỗi ngày tiếp nhận từ 70-100 bệnh nhân đến khám, điều trị. Như thường lệ, trước khi kê đơn thuốc cho người bệnh, lương y Nguyễn Thị Thủy phải bắt mạch, khám, tìm rõ nguồn gốc của bệnh để có phương pháp điều trị tốt nhất. “Chỉ cần chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân là tôi cảm thấy vui và hạnh phúc rồi” - lương y Thủy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mành (64 tuổi), ngụ ấp 4, xã Bình Đức, cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi đến phòng khám của lương y Thủy chữa viêm xoang và đã hết. Bây giờ lớn tuổi, tôi bị thoát vị đĩa đệm mà không biết, cố làm nặng nên chuyển sang thoái hóa cổ và khớp. Đến phòng khám, được các lương y điều trị nhiệt tình nên giờ tôi cảm thấy rất khỏe”.

Tấm lòng thiện nguyện

Để có những thang thuốc phát miễn phí cho bệnh nhân, lương y Thủy và các thành viên phòng khám phải đi hàng chục cây số, men qua những con đường ngoằn nghèo để hái thuốc. Khi thấy nhiều cây thuốc quý, cả đoàn ai cũng vui mừng. Đang cặm cụi nhổ từng cây thuốc, lương y Thủy cho biết: “Cây tôi đang nhổ là trinh nữ hoàng cung, cây này để điều trị cho những người bị u nang buồng trứng, u xơ tử cung,... Sau khi nhổ về, rửa sạch rồi phơi khô. Cây này kỵ các vật dụng bằng sắt nên mình phải xé nhỏ ra rồi mới phơi được”.

Ngoài việc chữa bệnh, lương y Nguyễn Thị Thủy còn dành dụm tiền và vận động mạnh thường quân tổ chức phát thuốc miễn phí, tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ và các hộ nghèo trong tỉnh.

Sau khi phòng khám vắng bệnh nhân, lương y Nguyễn Thị Thủy

Sau khi phòng khám vắng bệnh nhân, lương y Nguyễn Thị Thủy và các thành viên đi hát thuốc

Trong cuộc sống hiện nay, bên cạnh những ồn ào, xô bồ của cơm áo gạo tiền, vẫn còn không ít những tấm lòng hảo tâm. Họ âm thầm giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình bằng chính mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh. Lương y Nguyễn Thị Thủy là người như thế.

Hiểu được nghề y liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, lương y Nguyễn Thị Thủy luôn đặt chữ “tâm” lên hàng đầu. Chị luôn mong những bài thuốc và cách chữa trị của mình có thể cứu chữa được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng cả tấm lòng nhân hậu, lương y Nguyễn Thị Thủy nhận được sự yêu mến và kính trọng của mọi người. Nhiều năm liền, chị được Hội Châm cứu Việt Nam, Hội Châm cứu và Hội Đông y tỉnh tặng bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích trong công tác hội.

Những bằng khen, giấy khen là tài sản vô giá, chị luôn mong có thể cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn để họ giảm bớt gánh nặng và có thể an tâm điều trị bệnh./.

Thanh Hằng

Chia sẻ bài viết