Tiếng Việt | English

26/05/2020 - 10:55

Nữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học đầu tiên của Long An

Nữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học đầu tiên của Long An - Huỳnh Thị Gấm sinh năm 1960, quê xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Thuở nhỏ, cô học các trường tư thục ở quê nhà và là học sinh Trung học tỉnh hạt Bình Đức, tại huyện Bến Lức. 

Khi còn tuổi thiếu niên, cô đã tích cực tham gia tiếp tế lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, làm ám hiệu, đưa thư, rải truyền đơn cho lực lượng giải phóng. 16 tuổi, cô làm Thư ký của Ban Tiếp quản xã Nhựt Chánh, đi phổ cập Bình dân học vụ, tham gia đội văn nghệ xã và nhiều hoạt động phong trào sôi nổi khác,...

Vào các năm học cấp III ở Bến Lức (1976-1979), cô là Phó Bí thư Đoàn trường kiêm Bí thư Chi đoàn. Sau đó thi đậu Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, là Bí thư Đoàn Thanh niên và được kết nạp Đảng. Năm 1985, cô về công tác tại Trường Nguyễn Ái Quốc VIII, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực II (nay là Học viện Chính trị khu vực II, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), là cán bộ Phòng Tổ chức rồi giảng viên. Vừa công tác, cô vừa hoàn thành khóa học chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học tại Trường Tuyên huấn Trung ương II và học Nga văn tại Đại học Dự bị TP.HCM. Năm 1999, cô bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam hiện đại tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với Đề tài Những biến đổi KT-XH ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2011-2013, cô được bổ nhiệm Trưởng khoa Xây dựng Đảng và là giảng viên cao cấp; năm 2013-2015, là Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ tháng 11/2015 đến 2020, cô là giảng viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng Khoa học - Đào tạo Học viện Chính trị khu vực II, Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị của Học viện.

20 năm hoạt động khoa học (1999-2019), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm làm chủ nhiệm, chủ biên và thực hiện hơn 20 đề tài khoa học, trong đó có 5 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 7 đề tài khoa học cấp Bộ (Bộ Khoa học - Công nghệ), gần 10 đề tài cấp Học viện và cơ sở. Từ năm 2006-2015, cô có 7 công trình khoa học tham gia hội thảo quốc tế; hơn 210 bài báo khoa học đăng trên các sách, tạp chí, kỷ yếu khoa học;… Một số công trình xuất bản được dư luận đánh giá cao như Những biến đổi KT-XH ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long; Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực thiểu số cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số vùng Đông Nam Bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn; Di chúc Hồ Chí Minh, ánh sáng của trí tuệ và niềm tin;…

Trong quá trình lao động, học tập, công tác của một trí thức giàu đức khiêm tốn, giản dị, nhiều năm liên tục (2009-2016), cô là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2015-2016 là Chiến si thi đua cấp Bộ; 2 lần được Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II khen thưởng thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học 5 năm (2003-2007, 2009-2014) cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2015 cùng dịp nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (1985-2015), cô được Viện Nghiên cứu nhân tài nhân lực thuộc Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam vinh danh “Danh hiệu trí thức Việt Nam vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học”./.

Long Thái

 

Chia sẻ bài viết