Tiếng Việt | English

10/07/2015 - 07:58

Nước Nga vẫn ổn mà không cần phương Tây

Nga kỳ vọng ở các cơ chế quốc tế như BRICS và CSO và muốn chứng minh rằng, nước Nga vẫn ổn mà không cần phương Tây

Ngày 9/7, tại thành phố Ufa của Nga đã khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Hội nghị do Tổng thống Nga Putin chủ trì, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Tổng thống Brazil Dillma Rousseff và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.


Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Lễ chào mừng tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (Ảnh Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó (ngày 8/7) chào đón lãnh đạo các cường quốc mới nổi (BRICS) đến tham sự Hội nghị Thượng đỉnh, với hy vọng nước Nga sẽ không đơn độc trong bối cảnh phương Tây tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này về vấn đề Ukraine.

Theo AFP, Điện Kremlin nhìn nhận BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - như một cơ chế kinh tế và chính trị có ảnh hưởng, có thể đối trọng với phương Tây.

Nước Nga không đơn độc

Mối quan hệ giữa Moscow với BRICS đã trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế Nga đã ít nhiều chịu thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và Nga đã bị loại khỏi nhóm G-8, nhóm 8 cường quốc kinh tế.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 8/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, BRICS "minh họa cho một hệ thống đa cực mới trong quan hệ quốc tế", thể hiện sự ảnh hưởng ngày càng tăng của “các trung tâm quyền lực mới".

Hội nghị Thượng đỉnh của BRICS năm nay tổ chức tại thành phố Ufa, cách Moscow 1.100 km (680 dặm) về phía đông. Hội nghị chính thức khai mạc vào thứ Năm (9/7), một ngày sau các cuộc họp song phương giữa Putin và lãnh đạo các nước khác.

Với chủ đề “BRICS- tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển toàn cầu”, Hội nghị lần này dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hành động Ufa thể hiện quan điểm của BRICS đối với các vấn đề có tính toàn cầu, đồng thời rà soát thông qua các quy chế thủ tục nhằm chính thức khởi động Quỹ Tín dụng Dự phòng của BRICS với số vốn lên tới 100 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước thành viên xử lý những trường hợp thiếu hụt khẩn cấp về ngoại tệ.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Hội nghị, Tổng thống Nga Putin đã nói: "Tôi không giấu rằng chúng tôi đặc biệt vui mừng khi thấy các bạn Trung Quốc".

"Chúng tôi cũng nhận thức được những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt về kinh tế và chính trị, nhưng bằng các nỗ lực chung, tôi in rằng, chúng ta sẽ vượt qua tất cả các khó khăn", Tổng thống Putin nói thêm.

Đồng thời diễn ra ở Ufa là một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức an ninh khu vực. Trong số những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh SCO là vấn đề kết nạp thành viên mới cho tổ chức, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, và cuối cùng là Iran.

Hội nghị BRICS "báo hiệu sự hình thành một thế giới mới, trong đó phương Tây sẽ không chiếm ưu thế," ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, đã viết trong nhật báo Rossiiskaya.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, trong khi hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng đối với Nga, BRICS không phải là một lực lượng mạnh mẽ do chương trình nghị sự và các ưu tiên của các nước thành viên của tổ chức này rất khác nhau.

Hội nghị mang ý nghĩa “bù đắp cho một năm rưỡi nước Nga bị phương Tây phong tỏa”, ông Alexander Gabuyev thuộc Trung tâm Carnegie của Moscow viết.

Nga trông đợi nguồn tài chính từ phương Đông

Trong số các kết quả hiện hữu của BRICS, một ngân hàng Phát triển mới của BRICS đã được thành lập để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước thành viên và các nước đang phát triển.

Ngân hàng chính thức ra mắt hôm thứ Ba (7/7), sẽ bắt đầu giải ngân cho các dự án vào đầu năm tới, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết.

Các lệnh trừng phạt đã cắt đứt nguồn vay của Nga từ phương Tây. Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov nói rằng, các công ty như Công ty Dầu Rosnef bây giờ có thể quay sang vay vốn từ ngân hàng của BRICS.

Trong một chính sách tăng cường thương mại với Ấn Độ, Tập đoàn Dầu mỏ của Nga Rosneft hôm 8/7 đã ký một thỏa thuận với Essar Group để cung cấp 100 triệu tấn dầu trong thập kỷ tới cho nhà máy lọc dầu Vadinar của Ấn Độ, và ký một thỏa thuận sơ bộ để mua 49% cổ phần trong các nhà máy lọc dầu.

Reuters bình luận rằng, đối với Tổng thống Nga Putin, trọng tâm của chính sách đối ngoại dường như đã chuyển sang các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là châu Á. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và Hội nghị SCO là cơ hội để chứng minh với phương Tây rằng, nước Nga vẫn ổn mà không cần phương Tây.

"Nhóm BRICS, với chương trình nghị sự và kinh tế, đã trở thành một yếu tố ảnh hưởng trong chính trường thế giới", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết vào tuần trước.

Ngoại trưởng Nga Lavrov phủ nhận quan điểm rằng 5 nước mới nổi kết hợp với nhau nhằm nhằm mục đích chống lại bất cứ nước nào khác và đánh giá cao "vai trò quan trọng" trong việc ổn định tình hình trong các vấn đề quốc tế./.

Bích Đào/VOV.VN

Chia sẻ bài viết