Tiếng Việt | English

03/01/2018 - 14:15

Nuôi bò công nghệ cao góp phần bảo vệ môi trường

Gặp gỡ và trò chuyện cùng bà Võ Thị Hà, ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vào một buổi sáng đầu năm mới, chúng tôi không thể tin được người phụ nữ cứng cỏi, bản lĩnh ấy lại ở tuổi 81 và đang là chủ một trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn trên địa bàn.

Bò của trang trại bà Võ Thị Hà được nuôi theo quy trình chuẩn, khép kín nên phát triển khỏe mạnh, cho chất lượng thịt tốt hơn, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường và bảo đảm vệ sinh môi trường

Hiện, trang trại của bà Hà có 140 con bò (giống bò Úc), trong đó có 80 con bò cái đang sinh sản, được nuôi theo quy trình sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống,... Để bảo đảm khu chuồng trại hợp vệ sinh, hạn chế ủ mầm bệnh gây nhiễm bệnh cho đàn bò, hàng ngày, công nhân vệ sinh chuồng trại, chăm sóc bò,...

Toàn bộ phân và nước thải của đàn bò được dẫn theo đường ống ngầm dưới chuồng ra 2 hầm biogas cách đó khá xa, hạn chế gây mùi hôi, giúp nền chuồng trại luôn khô thoáng, sạch sẽ. Nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Thức ăn của bò cũng là thức ăn sạch, gồm hỗn hợp cỏ, cám, rơm,... Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò phát triển khỏe mạnh, đồng đều.

Bà Hà cho biết: “Tôi đầu tư chuồng trại từ năm 2014, đến năm 2015 bắt đầu chăn nuôi. Tuy chưa bán đợt bò nào nhưng tôi mong muốn góp phần tạo ra sản lượng bò thịt đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường...”.

Theo ghi nhận từ một số hộ chăn nuôi bò thịt trên địa bàn, mô hình “Chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC)” dự kiến thu lãi 7-10 triệu đồng/con, gấp 3 lần chăn nuôi thường. Khi thực hiện mô hình này, những hộ chăn nuôi bò phải đáp ứng tiêu chí về vệ sinh môi trường, có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với môi trường sống cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, việc ƯDCNC chưa phổ biến bởi chi phí đầu tư lớn, trình độ chuyên môn của người chăn nuôi còn hạn chế. Muốn ƯDCNC, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, trong khi đó, sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hiện nay còn lỏng lẻo.

Trước thực trạng đó, mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò của bà Võ Thị Hà bước đầu đạt kết quả khả quan, phù hợp điều kiện chăn nuôi ở địa phương. Đây là tín hiệu vui trong phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng tính đa dạng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn huyện Tân Trụ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích