Tiếng Việt | English

10/12/2017 - 05:11

Ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận gì với Hà Văn Thắm?

Theo tài liệu vụ án OceanBank, năm 2008 với tư cách chủ tịch hội đồng quản trị PVN lúc đó, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm về việc PVN góp vốn vào ngân hàng này.

Ông Đinh La Thăng vừa bị bắt về tội cố ý làm trái

Ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT (sau này là hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái.

Theo điều tra bước đầu, ông Thăng bị khởi tố vì có những sai phạm nghiêm trọng trong việc PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) dẫn đến PVN mất trắng số tiền này. 

Ký văn bản đề nghị PVN dùng dịch vụ OceanBank

Trước đó, tại phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử đại án OceanBank vào tháng 7/2017, các luật sư đã nhiều lần đề cập đến vai trò, trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong việc để PVN mất trắng 800 tỉ đồng này.

Tại tòa, luật sư Nguyễn Minh Tâm (người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên PVN) đã nhiều lần phát biểu: PVN góp vốn vào OceanBank là thực hiện theo thỏa thuận do ông Đinh La Thăng - lúc đó là chủ tịch HĐQT PVN - đã ký với OceanBank. 

Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa đại án OceanBank

Tại tòa, ông Hoàng Văn Dũng, đại diện PVN, cho biết năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho phép PVN góp 400 tỉ đồng vào OceanBank.

Theo các tài liệu liên quan vụ án Ngân hàng OceanBank, năm 2008, chủ tịch HĐQT PVN lúc đó là ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm về việc góp vốn vào ngân hàng này.

Ngày 13/5/2009, ông Đinh La Thăng đã có văn bản gửi các đơn vị thành viên tập đoàn về việc sử dụng dịch vụ của OceanBank. 

Văn bản thể hiện: để tạo điều kiện cho OceanBank trở thành một định chế tài chính của tập đoàn trong việc quản lý dòng tiền, thực hiện việc chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị thành viên, HĐQT PVN yêu cầu các đơn vị sử dụng dịch vụ do OceanBank cung cấp.

Ngày 17/9/2010, ông Đinh La Thăng tiếp tục ký văn bản gửi các đơn vị thành viên đề nghị phải khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản của ngân hàng này, đồng thời phải báo cáo kết quả việc thực hiện về cho tập đoàn trước ngày 15-10-2010.

Chính vì văn bản này mà tại tòa, đại diện viện kiểm sát đã chất vấn đại diện PVN: Liệu PVN có ép buộc các công ty thành viên phải sử dụng dịch vụ của OceanBank không? Nếu không ép buộc sao lại có những văn bản với nội dung như vậy?

Theo ông Hoàng Văn Dũng khai trước phiên tòa, lần lượt trong năm 2010 và 2011, khi OceanBank tăng vốn điều lệ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho PVN góp thêm 400 tỉ đồng để mức vốn góp luôn chiếm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. 

Các chính sách của PVN đều được chủ tịch hội đồng thành viên ký báo cáo Thủ tướng.

Hà Văn Thắm đã bị tuyên án tù chung thân trong vụ án

Bản thỏa thuận ông Thăng ký với Hà Văn Thắm

Lời khai của các bị cáo và người liên quan tại tòa cho thấy ngoài 800 tỉ đồng tiền vốn góp, số tiền PVN và các công ty con của tập đoàn này gửi ở OceanBank luôn dao động từ 17.000 đến 25.000 tỉ đồng (chiếm 50%) vốn điều lệ của OceanBank. 

Đổi lại, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận hơn 300 tỉ đồng tiền lãi ngoài của ngân hàng để chi cho các hoạt động đối ngoại của PVN.

Hội đồng xét xử đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của PVN khi quyết định góp vốn vào OceanBank, quản lý phần vốn góp như thế nào để mất trắng 800 tỉ đồng? 

Trả lời chất vấn của tòa, ông Hoàng Văn Dũng cho biết: "Từ khi góp vốn, chúng tôi được chia cổ tức 244 tỉ đồng. Không có năm nào từ khi góp vốn đến khi OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng mà chúng tôi không có lãi. PVN luôn có người đại diện phần vốn góp tại OceanBank!".

Hội đồng xét xử cho biết thời điểm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, PVN không được góp vốn vượt quá 15% vào OceanBank. 

Tuy nhiên mức vốn của PVN tại OceanBank lại lên tới 20%? Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Văn Dũng cho rằng việc góp vốn trước đó đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý.

Tháng 6-2014, PVN báo cáo Thủ tướng cho phép được chuyển nhượng phần vốn góp cho các đối tác tiềm năng. 

Sau đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng đồng ý cho PVN chuyển nhượng 20% vốn tại OceanBank. Nếu không chuyển nhượng được thì đấu giá công khai theo quy định.

Tuy nhiên, khi PVN chưa thực hiện việc chuyển nhượng thì Văn phòng Chính phủ lại có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng phải dừng việc chuyển nhượng lại. Sau đó, OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng PVN luôn có người tham gia OceanBank, vì vậy các sai phạm của ngân hàng này phải được báo cáo về tập đoàn để có hướng xử lý. 

Và lẽ ra khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, PVN phải dừng ngay việc góp vốn vào OceanBank nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục góp thêm 100 tỉ đồng.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, quan hệ giữa OceanBank với PVN đã được chủ tịch của hai đơn vị này thống nhất, thỏa thuận và triển khai từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang OceanBank công tác. 

Quan hệ giữa hai đơn vị được xác lập theo văn bản thỏa thuận do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm.

Hà Văn Thắm hiện đã bị tòa sơ thẩm kết án chung thân với những sai phạm tại OceanBank./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết