Tiếng Việt | English

29/03/2016 - 19:38

Ông Nguyễn Thiện Nhân:Chọn không đúng ĐBQH là thiệt cho nước, cho mình

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Mỗi lá phiếu của các bạn trẻ góp phần rất quan trọng trong việc quyết định người nào đó có xứng đáng là ĐBQH hay không.

Tại chương trình đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội” được tổ chức sáng nay (29/3) tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ - là những cử tri lần đầu được bầu cử bày tỏ băn khoăn “Vai trò của thanh niên trong công tác bầu cử hiện nay?”Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội?”...

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lấy ví dụ, ở một tổ có 5 người, chọn lấy 3 người thì giữa người đắc cử và người không đắc cử có thể chỉ chênh nhau 1% số phiếu. Trong khi đó tuổi trẻ cả nước chiếm 24,8% dân số, khoảng 12-13% người đi bầu là thanh niên. Như vậy, nếu ai mất 12% số phiếu này thì có thể từ “đậu” thành “trượt”. Chính vì vậy, mỗi lá phiếu của các bạn trẻ góp phần rất quan trọng trong việc quyết định người nào đó có xứng đáng trở thành đại biểu Quôc hội hay không.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (ảnh giữa) tại buổi đối thoại (Ảnh: Hoàng Long)

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ với các bạn trẻ: Các bạn có yêu nước không? Nếu yêu nước phải làm mọi việc mình cần làm để cống hiến cho đất nước, trong đó có bầu cử, để sáng suốt lựa chọn người có đức, có tài thay mặt mình lãnh đạo đất nước ngày một phát triển. Chọn không trúng là thiệt cho nước và thiệt cho mình.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng (Ảnh: Hoàng Long)

Ông cũng khuyên các bạn có thể tham gia cùng Ủy ban bầu cử địa phương tham gia vào ban kiểm phiếu, bảo đảm trật tự, tuyên truyền cho cuộc bầu cử.
Trả lời câu hỏi “Trong gia đình, có thể để người nhà đại diện đi bầu được không?”, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có những việc đại diện được và cũng có những việc không đại diện được. Khi ở tuổi 18, chúng ta đã trưởng thành và được phép lựa chọn nhiều quyết định của mình, như mình đi chọn người yêu, chọn ngành nghề… Trong số các bạn ngồi đây, có người nào muốn cử đại diện cho mình đi chọn những công việc đó?

“Đừng từ bỏ cơ hội làm chủ nhân quyền lực chính trị của mình. Cử tri là người nắm trong tay quyền lực chính trị của đất nước. Bầu cho ai hãy nhớ tên người đó và người đó là người chịu trách nhiệm trước các bạn, phải tiếp các bạn, lắng nghe các bạn. Đó là ý nghĩa và lợi ích của việc các bạn trực tiếp đi bầu.

Nếu chúng ta cử người đi bầu thay, có đơn kiện tụng thì chúng ta sẽ làm cho cuộc bầu cử hết sức phức tạp, chi phí bầu cử rất lớn. Bởi vì như vậy thì kết quả bầu cử sẽ không hợp pháp, bắt buộc phải bầu lại. Chỉ riêng việc này cũng làm tốn kém về kinh tế cho Nhà nước là rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta hãy trực tiếp bầu cử, hãy cầm lá phiếu, hãy lựa chọn, và hãy bỏ phiếu vào hòm phiếu”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

TSKH Đoàn Hương

Chia sẻ tại buổi đối thoại, Tiến sỹ khoa học Đoàn Hương cho biết, đối thoại sẽ mang những tư duy mới đến với các bạn trẻ. Các bạn có một vinh dự lớn lao được cầm lá phiếu trong tay, nhưng trong tương lai các bạn sẽ là đại biểu Quốc hội, là thủ lĩnh của quốc gia.

Cầm lá phiếu rất vinh dự đồng thời đây cũng là trách nhiệm của mỗi người. Các bạn đã trưởng thành, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình, trách nhiệm trước quốc gia, trước đại sự, trong đó có bầu cử Quốc hội.

Tiến sỹ Đoàn Hương nhắn nhủ, các bạn thanh niên không được “trẻ và bé quá lâu”, sống có mục đích, có sức khỏe. Lý tưởng và mục đích ấy bắt đầu từ những hành động thiết thực, làm gì cũng đặt vào mục đích lớn lao cho dân tộc, đất nước mình, như hiểu việc đi bầu cử, cầm lá phiếu bầu với nghĩ suy đó chính là máu xương của dân tộc. Đi bầu cử như hành động lý tưởng tốt đẹp với nước, với dân.

Chương trình đối thoại diễn ra dân chủ, khách quan, trung thực, cởi mở và thân thiện. Các khách mời đã giúp các bạn trẻ thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình và tích cực tham gia cuộc bầu cử; làm cho ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân.

Chương trình giúp cử tri lần đầu tham gia bầu cử nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân - cử tri 18 tuổi, những mong muốn và kỳ vọng của công dân tuổi 18 với Quốc hội và Đại biểu quốc hội khóa XIV./.

Kim Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết