Tiếng Việt | English

20/02/2019 - 19:23

Ông Putin tuyên bố đáp trả hoạt động triển khai tên lửa tại châu Âu

Trong Thông điệp liên bang, ông Putin tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng trước bất kỳ việc triển khai tên lửa tại châu Âu, bằng cách không chỉ nhắm tới những nước bố trí các tên lửa này mà ngay cả Mỹ.

Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang trước hai viện Quốc hội. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Ngày 20/02, trong Thông điệp liên bang thường niên được đọc trước Hội đồng Liên bang Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành một phần nội dung để chỉ trích Mỹ liên quan tới Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi cho rằng Washington đang sử dụng những "cáo buộc cường điệu" để rút khỏi thỏa thuận có từ thời Chiến tranh Lạnh này.

Tổng thống Putin cho biết ông hiểu được mối quan ngại về thỏa thuận INF, nhấn mạnh các đối tác của Mỹ "cần trung thực...thay vì sử dụng các cáo buộc cường điệu chống lại Nga nhằm biện minh cho việc đơn phương rút khỏi hiệp ước này."

Mặc dù khẳng định Nga sẽ không tìm kiếm xung đột và không khơi mào triển khai các tên lửa tầm trung nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi INF, song ông Putin tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng trước bất kỳ việc triển khai tên lửa này tại châu Âu, bằng cách không chỉ nhắm tới những nước bố trí các tên lửa này mà ngay cả Mỹ.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh phản ứng của Nga trước mọi hành động triển khai tên lửa sẽ cương quyết và cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần tính toán rủi ro trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào.

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 08/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/1988.

Hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Tuy nhiên, tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa "Novator 9M729."

Phía Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Moskva cũng cho rằng Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Ngày 01/02 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 02/02 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.

Ngày 06/02, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một sự đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga-Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh cuộc chạy đua vũ trang mới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết