Tiếng Việt | English

03/05/2017 - 20:03

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), ngành nông nghiệp triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành và tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2017-2020. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng về vấn đề này.

* PV: Ngành nông nghiệp triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp hơn 1 năm, ông có thể cho biết, công tác triển khai, thực hiện và những kết quả bước đầu?

Ông Lê Văn Hoàng:

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp chú trọng triển khai thực hiện chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh mà cụ thể là Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành. 3 cây, 1 con được tỉnh chọn để thực hiện đề án giai đoạn 2016-2020, đến nay, các công tác triển khai nhiệm vụ quan trọng này cơ bản được chuẩn bị tốt và đạt kết quả bước đầu; tổ chức học tập ở các địa phương: Lâm Đồng, Bình Dương, TP.HCM,... về kinh nghiệm, giải pháp triển khai đề án.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.000ha lúa, 2.000ha thanh long, 2.000ha rau và 5.000 con bò phát triển ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, VietGAP, GlobalGAP

Đồng thời, ngành nông nghiệp tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc, thống nhất với các địa phương xác định vị trí, ranh giới của vùng triển khai thực hiện và hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án; tổ chức hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và hướng dẫn tiêu chí, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp ƯDCNC,...

Nhìn chung, sau một năm triển khai thực hiện đề án, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề cho triển khai trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

* PV: Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đề án còn những khó khăn gì thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng:

Trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn: Kết quả thực hiện chương trình còn chậm so với yêu cầu, sự phối kết hợp của các ngành, địa phương, hội đoàn thể,... trong việc thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, nghị quyết đến người dân còn chậm, nhất là các xã trong vùng triển khai thực hiện chương trình chưa nắm hết mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nội dung tập trung triển khai thực hiện; thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt cho ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp ngại thỏa thuận trực tiếp với dân.

Đồng thời, năng lực hợp tác xã còn yếu cả về vốn và năng lực quản lý; sản xuất còn manh mún, nhỏ, lẻ, và tâm lý e ngại tham gia theo hình thức liên kết của nông dân; sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết; thiếu cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành hàng chủ lực làm vai trò đầu tàu dẫn dắt, đặc biệt là cơ chế về vốn - trong khi nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã rất nhiều nhưng khó tiếp cận; thiếu chuyên gia vừa am hiểu sâu thực trạng sản xuất của tỉnh, vừa có thể tư vấn tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình.

Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC cho hiệu quả nhưng nhân rộng còn gặp khó khăn, do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chủ yếu sử dụng định mức khuyến nông để thực hiện.

* PV: Được biết, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2017-2020 và riêng năm 2017, vậy xin ông cho biết, đâu là mối quan tâm nhất của ngành hiện nay?

Ông Lê Văn Hoàng:

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1192/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 11/4/2017 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2017 để làm cơ sở cho tỉnh triển khai trong năm 2017 và giai đoạn 2017-2020,...

Thực hiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay ngành thực hiện trong năm 2017 và những năm sắp tới: Phối hợp giữa các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện đề án và phát huy tốt hiệu quả; tạo sự nhận thức trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở; tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện chương trình, tổ chức họp dân công bố vùng sản xuất ƯDCNC trên từng xã để người dân biết phối hợp thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

Mục tiêu đề án đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.000ha lúa, 2.000ha thanh long, 2.000ha rau và 5.000 con bò phát triển ƯDCNC đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, VietGAP, GlobalGAP.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Huỳnh - Xuân Huy (thực hiện)

Chia sẻ bài viết