Tiếng Việt | English

16/06/2017 - 21:02

Phải chăng Mỹ "ngó lơ" để các đảo Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc

 

Máy bay B-1B của Mỹ bay huấn luyện từ căn cứ không quân Andersen ở Guam qua Biển Đông ngày 08/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo Đài RFI, tờ Wall Street Journal dẫn lời nhà báo Ben Bohane chuyên viết về châu Á-Thái Bình Dương nhận định rằng một ván cờ tĩnh lặng nhưng có tính chất quyết định đang diễn ra nhằm nắm quyền chi phối các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, chỉ có một bên là chứng tỏ quyết tâm, còn bên kia dường như đang nhường lại trận địa mà không mấy hăng hái chiến đấu.

Theo ông Bohane, đây là một hiện tượng mới bởi hơn 100 năm qua, Mỹ vẫn coi Thái Bình Dương như sân sau của mình, nhưng gần đây mọi sự đã thay đổi. Không có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ đầu tư vào các đảo quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, chính các đảo quốc tại khu vực này lại không thể cưỡng lại được những "ve vãn" của ngành ngoại giao và đầu tư từ Bắc Kinh.

Trong khi Bắc Kinh chi ra nhiều tỷ USD đầu tư vào các đảo Melanesia, Micronesia và Polynesia, làm các dự án hạ tầng quan trọng, các kế hoạch du lịch với tài chính đi kèm, thì Mỹ vẫn giữ im lặng. Mỹ tiếp tục bỏ mặc hiệp ước đồng minh ký với Micronesia và làm ngơ với phần còn lại trong khu vực.

Còn tại lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, một nữ nghị sỹ đã cảnh báo về những khiếm khuyết trong năng lực quốc phòng, trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên tại Samoa. Bắc Kinh cũng nhòm ngó nguồn lợi thiên nhiên của Papua New Guinea và "ve vãn" Fiji.

Tuy nhiên, sự tương phản giữa Trung Quốc và Mỹ nổi bật nhất ở Vanuatu. Mới đây, chính quyền Vanuatu đã ký kết một hợp đồng với Tổng công ty xây dựng dân dụng Trung Quốc (CCECC) để nâng cấp 3 sân bay chính của đảo quốc này, đặc biệt là mở rộng Bauerfield, phi trường chính của thủ đô Port Vila, để mở đường bay trực tiếp từ Trung Quốc vào năm tới.

Thực tế, Mỹ không cam kết gì với Vanuatu, cũng chẳng có đại sứ thường trực. Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Thủ tướng, trụ sở Bộ Ngoại giao, trụ sở tổ chức liên Chính phủ Melanesian Spearhead Group, một trung tâm hội nghị và một sân vận động quốc gia.

Vanuatu chính là đảo quốc Thái Bình Dương đầu tiên ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông và sau đó Nauru cùng Papua New Guinea đều nhanh chóng hòa giọng trong vấn đề biển tranh chấp này.

Wall Street Journal kết luận, nếu Washington không bắt đầu cam kết một cách nghiêm túc trong khu vực, thì các đảo quốc Thái Bình Dương vốn là các căn cứ quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chắc chắn sẽ lọt vào tay Trung Quốc./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết