Tiếng Việt | English

18/07/2020 - 14:45

Phải đẩy lùi bệnh “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”

“Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là một căn bệnh cần được đẩy lùi trong xã hội. Căn bệnh ấy là sự vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu chính kiến trong cuộc sống, công việc và cả với những người xung quanh. Và thật nguy hiểm nếu căn bệnh này tồn tại trong các cơ quan, tổ chức.

Trong cuộc sống, đôi lúc, chúng ta vẫn nghe nhiều người bàn về sự “im lặng” trong các cuộc họp sơ kết, tổng kết tại cơ quan, đơn vị. Có cuộc họp, người đứng đầu đọc báo cáo rồi nói đủ điều nhưng sau đó toàn nghe được những ý kiến theo “chiều thuận”; ngược lại, những ý kiến phản biện, thẳng thắn chỉ ra hạn chế hay đóng góp cho đồng nghiệp, lãnh đạo, quản lý lại rất ít. Nhiều người cho rằng, điều này cũng dễ hiểu. 

Bởi, một là, người ta sợ chỉ ra những nhược điểm, hạn chế, cái sai của cấp trên, đồng nghiệp, bộ phận khác thì sẽ đụng chạm, dễ bị mất lòng, trù dập. Cũng có người sợ phê bình lãnh đạo, đồng nghiệp thì không được quy hoạch, bổ nhiệm, lại mất “điểm” khi cuối năm bình xét thi đua. Thế nên, im lặng là vàng! Hai là, cũng có người im lặng vì cam chịu, thờ ơ với những bất công, khuyết điểm. Lâu dần sẽ hình thành ý nghĩ “sống chết mặc bây”, cứ đến tháng lãnh đủ lương là được; còn trách nhiệm phê bình không phải của mình. Ba là, họ im lặng vì nói hoài, nói mãi thì “mèo vẫn hoàn mèo”, ở nơi đó đã tồn tại một kiểu “chân lý” sếp là đúng nhất, đừng bao giờ “cãi” sếp... Bốn là, dân chủ ở nơi đó thật sự có vấn đề?

Nhưng dù thế nào đi nữa, im lặng vì sự hèn nhát của bản thân, vô cảm với những điều xung quanh hay sợ sự độc tài của những người đứng đầu là không thể chấp nhận được. Bởi sự đấu tranh, đóng góp cả về những ưu điểm, hạn chế là để cùng nhau hoàn thiện bản thân, đưa cơ quan, đơn vị phát triển. Đó cũng là trách nhiệm của từng người. Đấu tranh vì lợi ích chung, lợi ích tập thể.

Một người bạn của tôi bảo rằng, đấu tranh cũng góp một “hạt cát nhỏ” để xây nền móng cho thế hệ tiếp theo. Vậy tại sao không đấu tranh để bảo vệ cái đúng, khắc phục những sai sót, yếu kém. Cớ gì phải sợ khi đấu tranh là vì giá trị đích thực, cái tốt, cái chung?

Hà Tĩnh

Chia sẻ bài viết