Tiếng Việt | English

16/01/2019 - 07:55

Phân luồng học sinh - Cần làm tốt công tác hướng nghiệp

Gần đây, dư luận xã hội rất quan tâm đến việc thực hiện phân luồng học sinh sau THCS qua việc ngành giáo dục và đào tạo đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 giảm dần qua từng năm học.

Những học sinh không vào được lớp 10 có thể chọn học giáo dục thường xuyên hay học nghề. Đây là một trong những chủ trương quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đang cần lao động có tay nghề.

Hiệu quả của việc phân luồng đang cần kiểm chứng thực tế nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn, còn có những ý kiến trái chiều. Trước hết, trong xã hội vẫn còn nặng tâm lý “trọng thầy hơn thợ”, tấm bằng đại học vẫn là giấy “thông hành” quan trọng trước ngưỡng cửa cuộc đời, là tiêu chuẩn để đánh giá văn hóa, học vấn. Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng hoàn thành chương trình sau đại học trước khi đi làm thì tốt nghiệp THPT chỉ được xem là “hoàn thành phổ cập” nên nhiều phụ huynh, học sinh chưa tha thiết học nghề. Mặt khác, ở độ tuổi còn nhỏ nên nhiều em chưa có ý thức chọn nghề phù hợp; hầu hết các em còn phụ thuộc gia đình nên chưa quan tâm đến nghề nghiệp tương lai.

Hiện nay, vấn đề đặt ra là sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều em không học nghề, không tiếp tục học văn hóa, không tham gia lao động, sản xuất, vậy các em sẽ làm gì trong khoảng thời gian từ 15 đến 18 tuổi? “Nhàn cư vi bất thiện” - liệu các em có lêu lổng, sa ngã vào thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội khi bên cạnh không có nhà trường, thầy cô, tổ chức, đoàn thể quản lý, giáo dục và định hướng. Với số học sinh này, sau này, chính quyền địa phương có phải bỏ thời gian, kinh phí, sức lực ra vận động các em tham gia phổ cập THPT? Nước ta đang hướng tới cách mạng 4.0, các em này sẽ làm gì trong guồng quay đó, trong khi số lượng ngày càng được bổ sung lớn hơn sau khi phân luồng học sinh?

Rõ ràng, nhiều học sinh quay lưng với trường nghề phần lớn do tâm lý “trọng thầy hơn thợ” của xã hội, muốn thay đổi nếp nghĩ đó là việc không dễ và phải có thời gian. Trong khi đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh chưa thật sự hiệu quả, chặt chẽ, thường xuyên. Để thay đổi điều đó, cần làm tốt công tác hướng nghiệp từ sớm, trước hết là phải vận động xã hội, phụ huynh thay đổi nếp nghĩ về học nghề cho phù hợp thực tế cuộc sống đang đặt ra. Ngành giáo dục và đào tạo cùng ngành lao động - thương binh và xã hội cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong công tác tư vấn, hướng nghiệp.

Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS được hưởng nhiều chính sách khi học nghề như miễn 100% học phí, hưởng chính sách liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học; có thể học tiếp văn hóa,... những chính sách này cần được truyền thông rộng rãi. Mặt khác, nhà trường, đoàn thể cần thường xuyên gặp gỡ, tư vấn cho gia đình học sinh đối với những trường hợp học lực không đáp ứng được yêu cầu học THPT. Cần phải thực hiện từng bước, khẳng định ưu điểm của học nghề để không còn tâm lý “trọng thầy hơn thợ”./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết