Tiếng Việt | English

18/06/2020 - 09:25

Phân luồng học sinh giúp các em lựa hướng đi phù hợp

“Học tiếp lên THPT hay chọn học nghề” là điều phân vân của nhiều học sinh (HS) lớp 9, nhất là những em có học lực trung bình, yếu hay hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để giúp HS có hướng đi phù hợp, các trường nỗ lực trong công tác hướng nghiệp, góp phần thực hiện phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS.

Đa dạng hình thức hướng nghiệp

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” của Chính phủ, Long An xây dựng kế hoạch và từng bước thực hiện. Trong đó, HS lớp 9 phải được các trường định hướng phân luồng để có hướng đi phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình và cơ hội việc làm trong tương lai.

Giáo viên lắng nghe và tìm hiểu về ước mơ và có những định hướng phù hợp với học sinh

Để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS, từ đầu năm học, Trường THCS Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) đề ra nhiều giải pháp. Trường đưa tiết hướng nghiệp vào chương trình học của HS lớp 9. Nội dung hướng nghiệp được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi. Theo đó, giáo viên hướng nghiệp có những buổi nói chuyện gần gũi với HS về nghề nghiệp tương lai, sở thích, nhu cầu của xã hội hiện nay,…; đồng thời cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp, hướng đi cho tương lai.

Hiệu trưởng Trường THCS Hậu Nghĩa - Nguyễn Tôn Hoàng cho biết: “Trường xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS. Một tháng có 1 tiết hướng nghiệp cho HS lớp 9 là giải pháp hiệu quả giúp các em có những khái niệm rõ hơn về nghề nghiệp, lựa chọn tương lai. Dạy tiết hướng nghiệp, trường không chỉ dạy theo những bài quy định sẵn mà còn phân tích sâu vấn đề và cập nhật những thông tin mới, phù hợp với thực tế địa phương. Theo đó, giáo viên hướng dẫn HS tìm hiểu về điều kiện học tập, chi phí, cơ hội việc làm sau khi ra trường,… trước khi quyết định theo học. Trong năm học này, trường có 100 HS lớp 9 đăng ký học nghề thay vì học tiếp lên THPT. Đây cũng là kết quả từ công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS của nhà trường”.

Ngoài tiết hướng nghiệp, các trường còn giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và giáo viên bộ môn lồng ghép trong nội dung bài học. Một số trường thực hiện việc dạy học gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, giúp HS nắm được các ngành nghề phát triển tại địa phương, góp phần hình thành tư duy khởi nghiệp cho các em.

Thay đổi quan niệm “trọng thầy hơn thợ”

Không chỉ hướng nghiệp cho HS, các trường còn nỗ lực thay đổi quan niệm “trọng thầy hơn thợ” của phụ huynh. Hàng năm, nhiều trường tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS cho HS, phụ huynh nhằm giúp các em và gia đình có định hướng phù hợp.

Trường Cao đẳng Long An đến các trường tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9

Hàng năm, Trường THCS Nhựt Tân (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) tổ chức họp phụ huynh HS lớp 9 để thông tin tình hình học tập của các em; đồng thời hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS. Những quyền lợi khi HS chọn học nghề như HS tốt nghiệp THCS được miễn học phí toàn khóa học khi đăng ký học trung cấp; được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để học tập; được giới thiệu việc làm tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp; có ký túc xá cho HS, sinh viên ở xa;… được thông tin đến phụ huynh.

Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tân - Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: “Trường đã và đang nỗ lực trong việc thay đổi suy nghĩ chỉ muốn con học tiếp THPT sau khi tốt nghiệp THCS của phụ huynh. Ngoài thông tin về quyền lợi khi chọn học nghề, trường cũng nêu rõ những khó khăn khi HS trung bình, yếu học lên THPT bởi chương trình học nặng hơn. Các em không theo kịp việc học dễ dẫn đến chán nản và có nguy cơ bỏ học cao. Trong khi đó, chọn học nghề, HS được thực hành là chủ yếu và rút ngắn thời gian học tập, sớm có việc làm phù hợp”.

Nhờ những định hướng này, một số HS lựa chọn học nghề thay vì tham gia thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, trường cũng có phương án phối hợp giáo viên phổ cập và địa phương vận động HS học nghề với những trường hợp HS tham gia thi tuyển sinh lớp 10 nhưng rớt nguyện vọng vào THPT. Đây cũng là bước quan trọng trong thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS của nhà trường.

Học sinh lớp 9 tham quan Trường Cao đẳng Long An và được giới thiệu về các ngành nghề

Bên cạnh các trường nỗ lực trong công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS, Trường Cao đẳng Long An cũng chủ động tìm đến các trường để tư vấn trực tiếp cho phụ huynh và HS lớp 9. Theo đó, trường thông tin những ngành nghề đang là nhu cầu xã hội hiện nay; đồng thời giới thiệu về các ngành nghề đào tạo để HS, phụ huynh hình dung và chọn lựa phù hợp với sở thích của các em. Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện cho HS tham quan và tìm hiểu thực tế các ngành nghề đào tạo để các em được “mắt thấy, tai nghe”.

Sau khi được giới thiệu về các ngành nghề tại Trường Cao đẳng Long An, Võ Phúc Khang - HS lớp 9/3, Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An), quyết định không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và chọn học nghề Điện lạnh. Khang tâm sự: “Với em, học THPT rồi lên đại học không quan trọng. Quan trọng là em có lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Em thích ngành Điện lạnh và muốn theo đuổi nó. Do đó, em quyết định học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Quyết định này được gia đình ủng hộ sau khi em giải thích rõ lý do và mong muốn của mình. Ngoài ra, chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, em được đi làm sớm hơn lựa chọn con đường học tiếp lên THPT, từ đó có thể phụ giúp gia đình”.

Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, HS sẽ hiểu hơn về các ngành nghề và nghiêm túc suy nghĩ về sở thích, ước mơ tương lai của mình. Từ đó, các em có lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình,… góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng HS./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết