Tiếng Việt | English

01/07/2017 - 20:15

Phan Thanh Long - Ngón đờn kìm điêu luyện

Phan Thanh Long là một trong những nhạc sĩ có ngón đờn điệu luyện về dòng nhạc tài tử và cải lương ở khu vực phía Nam.

Ngón đờn Phan Thanh Long 

Anh được giới chuyên môn đánh giá cao về tài nghệ ở 2 loại nhạc cụ đờn kìm và guitar phím lõm. Có lẽ tài năng diễn tấu đờn kìm của Long nổi trội hơn và anh giành được những giải thưởng đáng kể cấp quốc gia: Giải xuất sắc đờn kìm, cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2008 tại Hà Nội; Huy chương Bạc - độc tấu đờn kìm tại Liên hoan Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2014 tại TP.Đà Lạt. Trước đây, Long còn đoạt giải A độc tấu đờn kìm - Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) TP.HCM lần 5,... Ngoài ra, anh còn đờn kìm cùng dàn nhạc (tập thể) ĐCTT của Trung tâm Văn hóa quận 8 tham gia giải Hoa sen vàng của TP.HCM,...

Xuất thân từ vùng quê Thủ Thừa, Long An, chất tài tử ngấm vào anh từ những ngày còn nhỏ. Khi còn là học sinh phổ thông, Long tìm đến Nghệ nhân dân gian - nhạc sĩ Tấn Khoa để học đờn guitar phím lõm một thời gian khá dài. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2001, Long thi đậu vào Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM (nay là Đại học Sâu khấu Điện ảnh). Ngoài thời gian ở trường, Long còn tiếp tục trui rèn thêm đờn kìm, do Nghệ nhân dân gian Tấn Khoa truyền dạy.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, anh được trường giữ lại đệm đờn cho các lớp diễn viên cải lương. Điều này chứng tỏ, ngón đờn sư phạm của Long chuẩn xác cả về mặt căn cơ và phong cách diễn tấu, đệm cho người ca có cơ sở chuẩn xác để biểu đạt làn hơi, chất giọng trong ca ngâm cũng như ca diễn trong vai trò nhân vật.

Nhớ lại khoảng 10 năm trước, tôi có tham gia đờn sến cùng với Long thu thanh chương trình ĐCTT - Cải lương cho Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương; lúc đó, Long có ngón đờn guitar phím lõm chuyên nghiệp. Anh có lối rao êm êm, mùi mẫn dễ dẫn dắt bắt giọng cho người ca, kỹ thuật chạy ngón duyên dáng; đặc biệt, anh nhấn chữ “xang” mùi và nhuần nhuyễn. Lối đờn những thể điệu Bắc của Long không quá nhặt mà rất thông thoáng, nhịp điệu lúc nào cũng hài hòa với âm điệu người ca cùng hòa quyện, đờn và ca thật tâm đầu ý hợp. Anh đờn vọng cổ và những thể điệu Nam - Oán càng êm dịu và uyển chuyển hơn về mặt âm sắc; có nghĩa là những chữ đờn phát ra âm thanh bay bổng, du dương những sắc như chính tâm trạng người đờn (nhạc là nhân).

Về kỹ thuật đờn kìm, có lẽ Long đạt hiệu quả nổi trội hơn guitar, nhất là kỹ thuật chạy ngón và nhấn nhá bởi phong cách diễn tấu đờn kìm đòi hỏi cần có tâm tính từ tốn, nắn nót từng chữ cho dây tơ bật ra những âm thanh thay lời tâm sự của người đờn. Đặc biệt hơn, những thể điệu Oán - Nam, có những cung, người đờn nhấn nhá ra nhiều âm sắc khác nhau,

nét khác nhau đó là do tâm tấu của mỗi người, và Long diễn tấu đạt điều đó. Sự huyền diệu của nhạc cụ kìm rất đa dạng về âm sắc, phức tạp về kỹ thuật biểu diễn ngón; khi diễn tấu những thể điệu Bắc thì xôm tụ, rộn ràng, thể điệu Quảng thì trữ tình duyên dáng, Bắc lễ thì hùng tráng trang nghiêm,... Tính chất Bắc lễ, thể điệu Ngũ đối hạ - 20 câu, Long độc tấu đờn kìm thành công tại Liên hoan Nhạc cụ dân tộc toàn quốc vừa qua cũng chứng minh từ lý luận đến thực tiễn, anh giành được những giải thưởng cá nhân và tập thể là diễn tấu đạt đến sự hoàn hảo về tính chất của thể điệu.

Năm 2007-2011, Long còn tiếp tục tu nghiệp 4 năm cấp đại học tại Nhạc viện TP.HCM về chuyên môn nâng cao đờn kìm. Sau đó, anh trở về công tác tại Khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cho đến nay. Ngoài công việc đệm đờn cho các lớp diễn viên cải lương, những chương trình biểu diễn của trường, Long còn tham gia nhiều nơi khác. Nói theo kiểu nào đó, Long khá đắt show. Cụ thể như, Long thường tham gia nhiều chương trình ĐCTT của Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Chương trình Tiếng đàn tri âm của Đài Truyền hình TP.HCM, Chuông vàng Vọng cổ (HTV), Giọng ca cải lương hàng tuần của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM,...

Phan Thanh Long là nhạc sĩ - giảng viên trẻ đang hoạt động trong môi trường chính quy, chuyên nghiệp, sẽ có điều kiện để đào tạo thế hệ kế thừa nhiều triển vọng, góp phần bảo tồn và phát triển dòng nhạc tài tử, cải lương trong tương lai./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết