Tiếng Việt | English

12/11/2016 - 08:23

Phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (CSPCTPVMT) Công an tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng: Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ,... trên địa bàn tỉnh, chú ý các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất. Qua đó, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực ATTP.

Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP như sử dụng các loại thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có trong danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; sử dụng phụ gia thực phẩm quá thời hạn sử dụng; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định,... Vì lợi nhuận, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ngày càng tinh vi trong việc sử dụng các loại phụ gia, hóa chất để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Điển hình, Phòng CSPCTPVMT kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất măng ngâm chua do bà Tăng Thị Nết làm chủ, ngụ đường Nguyễn Cửu Vân, phường 4, TP.Tân An, phát hiện cơ sở đang sử dụng hóa chất bột màu vàng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ pha vào nước để ngâm măng. Đoàn kiểm tra tiến hành thu mẫu măng chua để kiểm nghiệm, kết quả phân tích mẫu măng chua cắt lát (măng ngâm với chất bột màu vàng) có nhiễm chất vàng ô. Cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tăng Thị Nết 35 triệu đồng với 2 hành vi: Sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng và hoạt động kinh doanh thực phẩm dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký theo quy định.

Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến bì heo của bà Nguyễn Thị Tư, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở vi phạm các quy định về sản xuất, chế biến bì heo không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, điều kiện chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh ở huyện Tân Hưng. Ảnh: Văn Đát

Sau đó, cũng tại địa chỉ bà Tư sản xuất bì heo, bà Đoàn Thị Bích Thu tiếp tục sản xuất, chế biến bì heo không bảo đảm ATTP. Bà Tư và bà Thu đều ngụ phường 11, quận 6, TP.HCM, đến ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An thuê địa điểm để sản xuất, chế biến bì heo. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cơ sở trên với số tiền 59 triệu đồng; đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến bì heo trong thời gian 5 tháng. Đồng thời, tiêu hủy 1.839kg nguyên liệu da heo ngâm hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm; 247kg bì heo ngâm hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Phòng CSPCTPVMT kiểm tra 213 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 60 cơ sở vi phạm, phạt tiền 59 cơ sở với tổng số tiền trên 360 triệu đồng, cảnh cáo 1 cơ sở; tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 30 triệu đồng và hơn 4.800kg thực phẩm, nguyên liệu hỏng, mốc, ôi thiu, không có giấy kiểm dịch, không bảo đảm ATTP.

Ngoài ra, Phòng CSPCTPVMT Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, ATTP và vật tư nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tiến hành kiểm tra 85 doanh nghiệp, qua đó, phát hiện 7 trường hợp vi phạm về sử dụng nguyên liệu và nhãn hàng hóa, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử phạt, công an các đơn vị, địa phương còn tăng cường công tác tuyên truyền phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm phát huy tinh thần tham gia cung cấp tin báo tố giác, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP.

Qua công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực ATTP nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với các thực phẩm tiêu dùng hàng ngày,... Qua đó, kịp thời phát hiện, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường kiểm soát việc sử dụng các loại phụ gia, hóa chất, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có trong danh mục cho phép để sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm./.

Thúy Phượng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích