Tiếng Việt | English

30/08/2019 - 10:23

Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH)”, Long An phát huy tốt vai trò lãnh, chỉ đạo của Đảng đối với TDCSXH, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hạn chế “tín dụng đen”, nhất là hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH theo nghị quyết đại hội các cấp đề ra.

Sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, Chỉ thị 40 tạo sự chuyển biến rõ nét về sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã xem công tác lãnh, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc tích cực của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn, sự tham gia giám sát của nhân dân, đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện TDCSXH và hiệu quả của phương thức ủy thác. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vừa là người giám sát, vừa là người thực hiện một số công việc trong quy trình cho vay nên tiết kiệm được chi phí quản lý và hoạt động đối với TDCSXH.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật

Không chỉ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với TDCSXH, các địa phương còn bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn cho biết: “Sau khi có Chỉ thị 40 và Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 07-9-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, Huyện ủy xác định sự lãnh, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là nhân tố quan trọng để thực hiện tốt các chỉ thị này. Bên cạnh đó, huyện chủ động cân đối bố trí 11 tỉ đồng từ ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm giúp nhiều đối tượng được vay vốn kịp thời. TDCSXH đã góp phần tạo đà thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm,... Đến nay, huyện chỉ còn 2,16% hộ nghèo”.

Với sự vào cuộc trách nhiệm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với việc bổ sung chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền trong quản lý, triển khai TDCSXH tại cơ sở. Chủ tịch UBND xã An Thạnh, huyện Bến Lức - Trần Ngọc Ẩn cho biết: “Với vai trò là thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện, tôi chủ động tham mưu Đảng ủy xã ban hành nghị quyết triển khai đến các đảng viên, hội, đoàn thể và nhân dân về Chỉ thị 40. Thông qua công tác triển khai thực hiện, kịp thời nắm bắt được tình hình quản lý vốn vay và những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở để xử lý kịp thời.Kết quả nhiều năm liền, xã An Thạnh không có nợ quá hạn, đồng thời còn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Tại buổi làm việc theo chương trình kiểm tra, giám sát năm 2019 tại tỉnh Long An, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH - Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của chủ tịch UBND cấp xã. Ông cho rằng: “Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn luôn nắm chắc các chủ trương, chính sách, đối tượng và điều kiện vay vốn TDCSXH nên đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xác định đối tượng vay, rà soát nhu cầu vay, điều hành phân bổ nguồn vốn kịp thời, sát với việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH tại địa phương. Nhờ vậy, chất lượng TDCSXH trên địa bàn luôn được duy trì tốt và phát huy hiệu quả”.

“Trái ngọt” từ chỉ thị 40

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh - Nguyễn Trọng Điệp thông tin: “5 năm qua, nguồn vốn TDCSXH đã giúp trên 221.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với số tiền trên 4.526 tỉ đồng; gần 34.000 hộ thoát nghèo, giảm hộ nghèo toàn tỉnh từ 3,81% năm 2014 xuống 2,98% năm 2015 (chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015), từ 4,03% năm 2016 xuống 2,22% năm 2019 (chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020); thu hút và tạo việc làm mới cho gần 8.000 lao động; gần 16.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ gần 101.000 lượt hộ gia đình xây dựng 98.000 công trình nước sạch và 87.000 công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng hơn 190 căn nhà cho hộ nghèo; giúp trên 16.000 lượt hộ sinh sống ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh”.

Ông Hoàng Hồng Vịnh thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Từ một bộ đội phục viên, gia đình gặp nhiều khó khăn phải rời quê Long Trì, huyện Châu Thành đến xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp, ông Hoàng Hồng Vịnh không nghĩ có ngày gia đình mình thật sự đổi đời. Năm 2004, ông được xét vay vốn chương trình hộ nghèo 5 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi heo.Việc chăn nuôi đạt hiệu quả, ông trả nợ đúng hạn và tiếp tục được xét cho vay nâng vốn để mở rộng mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện nay, ông còn vay 50 triệu đồng thuộc chương trình hộ mới thoát nghèo để nuôi heo, trồng rau và mua máy xay xát lúa loại nhỏ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. 

Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình ông vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá ở địa phương. Ông Vịnh cho biết: “Bản thân tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương. Nhờ có Đảng, Nhà nước và Ngân hàng CSXH, người nghèo chúng tôi có điều kiện thoát nghèo bền vững.Cảm ơn nguồn vốn tín dụng chính sách tạo điều kiện cho gia đình tôi vươn lên, ổn định cuộc sống”.

Ở ấp 2, xã An Thạnh, huyện Bến Lức có 1 gia đình mà hoàn cảnh ai nghe qua cũng thấy xúc động, người mẹ nghèo với gánh ve chai đã nuôi 4 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có cuộc sống ổn định. Đó là gia đình bà Lê Thị Kim Hồng. Chật vật với miếng cơm manh áo, có lúc bà Hồng có ý định buông xuôi, nhưng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên đã giúp bà vững tâm, cố gắng làm việc, nuôi các con ra trường, có nghề nghiệp ổn định. Trong suốt quá trình học tập của các con, bà Hồng đã được Ngân hàng CSXH cho vay trên 126 triệu đồng.Bà Hồng luôn trả nợ, trả lãi đúng hạn, đến nay gia đình bà còn dư nợ 30 triệu đồng chưa đến hạn trả. Phan Thị Thúy Nhi (con bà Hồng) tâm sự: “Em và gia đình chân thành biết ơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng em có điều kiện học tập, có nghề nghiệp ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo túng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho biết: “Có thể nói, hoạt động TDCSXH có những chuyển biến rất tích cực sau khi triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn. Phát huy kết quả đã đạt, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40; tiếp tục cân đối, bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho người nghèo và đối tượng chính sách vay; gắn kết vốn tín dụng chính sách với chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng định hướng của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn TDCSXH tiếp tục là bệ phóng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thắp lên niềm tin tương lai tươi sáng hơn. Điều đó khẳng định Chỉ thị 40 thật sự của ý Đảng, lòng dân./.

Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đạt 3.226 tỉ đồng, tăng 1.058 tỉ đồng (trên 48,77%) so với thời điểm 31/12/2014, trong đó: Nguồn vốn Trung ương đạt 3.082 tỉ đồng, chiếm 95,53%/tổng nguồn vốn (trên 48,3%); nguồn vốn địa phương 143,9 tỉ đồng, chiếm 4,46%/tổng nguồn vốn, trong đó vốn địa phương ủy thác 105,6 tỉ đồng, tăng 100,1 tỉ đồng (tăng 18,9 lần).

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích