Tiếng Việt | English

09/10/2015 - 08:38

'Phát huy sức mạnh toàn dân không chỉ kêu gọi, động viên một chiều'

Muốn phát huy sức mạnh toàn dân tộc không chỉ là kêu gọi, động viên một chiều mà phải giải quyết hài hòa lợi ích của người dân

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đang được đưa ra lấy ý kiến và nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Đại đoàn kết là nhân tố thành-bại của phát triển

Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổ phó tổ biên tập các tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh, Mặt trận là nơi tập hợp tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo văn kiện là vấn đề đại đoàn kết. Đại đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết trong dân. Đại đoàn kết luôn là sức mạnh to lớn nhất để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn trong mọi thời điểm.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, đại đoàn kết là vấn đề chiến lược. Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng khẳng định, đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của cách mạng nước ta, tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

“Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nếu Đảng mạnh mà không có nhân tố đại đoàn kết thì cũng không thể giành thắng lợi, đó là thực tiễn lịch sử. Đại đoàn kết phải là nhân tố, không chỉ là động lực như dự thảo văn kiện nêu”-ông Huỳnh Đảm nói.

Theo ông Huỳnh Đảm, muốn phát huy sức mạnh toàn dân tộc không chỉ là kêu gọi, động viên một chiều mà phải giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Để làm được nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, Đảng cần bố trí cán bộ đủ tâm, đủ tầm cho công tác mặt trận cũng như trong quan điểm, nhận thức, Đảng cần coi trọng mặt trận hơn vì mặt trận là thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị.

Cũng nhận định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy Đảng, và người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.

Lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta là độc lập tự do và cuộc sống ấm no hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội. Lợi ích đó thể hiện cụ thể trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa xã hội an ninh quốc phòng. Củng cố tăng cường đoàn kết hiện nay không thể chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích của nhân dân.

"Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ của nhân dân phải được tôn trọng. Pháp luật và những cơ quan thi hành pháp luật phải đảm bảo để nhân dân được thực sự là người chủ, thực sự làm chủ đất nước như Hiến pháp 2013 đã quy định"-ông Túc nói.

Cần thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với dân

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định, đất nước ta đã có 30 năm đổi mới, trong đó công tác dân tộc cũng đã có đổi mới, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, kết quả đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu, vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất nước… Một trong những nguyên nhân là việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm.

“Trong yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận-tư duy mới về dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc cần có Luật Dân tộc Việt Nam. Và việc làm có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán. Đây là “cái gốc của mọi công việc” thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên-người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém. Không có đội ngũ cán bộ dân tộc để làm việc đó thì không ai làm thay được và dẫu có người làm thay cũng chưa chắc đã làm tốt hơn họ”, ông Lù Văn Que đề xuất. 

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, cần thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng nhà nước với nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng, và nhà nước mà còn là trách nhiệm của Mặt trận các tổ chức chính trị xã hội và của toàn dân. Qua hoạt động của mình Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng nhà nước bền chặt làm cho ý đảng gắn với lòng dân.

"Trong giai đoạn hiện nay các chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước có tác dụng trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy Mặt trận các tổ chức chính trị xã hội phải thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội để các chủ trương chính sách sát cuộc sống đáp ứng lợi ích của nhân dân. Và đề thực hiện tốt nhiệm vụ này Đảng, lãnh đạo nhà nước cần sớm luật hóa các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Không có luật hóa có làm đến mấy cũng không có tác dụng"- ông Túc nhấn mạnh./.

Minh Hòa/VOV.VN

Chia sẻ bài viết