Tiếng Việt | English

08/02/2019 - 07:59

Phát huy sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thành công hay thất bại của cuộc vận động phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định là sự đồng thuận và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân”.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn tặng quà người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc. Ảnh: Thanh Nga

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn tặng quà người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc. Ảnh: Thanh Nga

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động đã kế thừa và phát huy thành quả của 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Cuộc vận động nhằm đoàn kết toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An xác định: “Để thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả cao nhất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân, nên đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện; ký kết chương trình phối hợp UBND tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức hiệp thương thống nhất với các tổ chức thành viên và phối hợp các cơ quan liên quan; tuyên truyền sâu, rộng nội dung cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực.

Từ năm 2016 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên vận động người dân tham gia củng cố, xây dựng hơn 200 hợp tác xã, 300 tổ hợp tác; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 65.000 lượt lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; giúp hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống; đồng thời xây mới, sửa chữa trên 1.200 nhà đại đoàn kết; vận động hàng trăm tỉ đồng chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2,62%; vận động người dân đóng góp trên 1.000 tỉ đồng, hơn 1,2 triệu m2 đất và hàng chục ngàn ngày công lao động để xây dựng đường, cầu giao thông nông thôn, công trình dân sinh, công trình phúc lợi, công cộng,... làm thay đổi diện mạo nông thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân; thành lập trên 14.000 tổ tự quản tại cộng đồng dân cư, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Công tác khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ môi trường - ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh, trật tự, tự quản tại cộng đồng dân cư, xây dựng mỹ quan nông thôn, đô thị được chú trọng. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự phối hợp của chính quyền, các ngành, tổ chức thành viên Mặt trận phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện cuộc vận động mang lại nhiều kết quả, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả, thiết thực, đời sống người dân được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng và hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; phát huy được quyền làm chủ của người dân, góp phần giải quyết những nhu cầu thiết thực cũng như nhiều vấn đề bức xúc của người dân. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nơi huy động tiềm lực nhân dân chưa tốt; một số tiêu chí đạt thấp, nhất là tiêu chí về môi trường; chất lượng hoạt động hợp tác xã chưa cao; các mô hình hay, cách làm sáng tạo chậm được nhân rộng. Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song có thể thấy một số nguyên nhân chính là phương pháp tuyên truyền, vận động của một số cán bộ chưa thật sự thuyết phục, tập tục sinh hoạt, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao; kinh nghiệm điều hành hoạt động hợp tác xã hạn chế; công tác phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động một số địa phương, cơ sở đôi lúc chưa tốt, chưa tập trung hết các nguồn lực để thực hiện cuộc vận động.

Để thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động, các tổ chức thành viên tiếp tục tập trung một số giải pháp: 

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện cuộc vận động. Tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, tạo điều kiện, môi trường để huy động tiềm lực trong nhân dân phục vụ chính lợi ích của người dân.

Tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp, nội dung vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm tìm giải pháp hiệu quả; giới thiệu gương điển hình, mô hình tốt ở khu dân cư, xã, phường, thị trấn trong thực hiện các nội dung cuộc vận động; giới thiệu những địa phương, tổ chức thành viên có nhiều sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh - Lê Văn Hùng và Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh - Nguyễn Văn Hiền tặng bằng khen của UBMTTQVN tỉnh cho các cán bộ Mặt trận tiêu biểu. Ảnh: Thanh Nga

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh - Lê Văn Hùng và Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh - Nguyễn Văn Hiền tặng bằng khen của UBMTTQVN tỉnh cho các cán bộ Mặt trận tiêu biểu. Ảnh: Thanh Nga

Nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, phát huy vai trò của người dân trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế, quy ước khu dân cư gắn chặt với nội dung cuộc vận động; để cộng đồng dân cư tự đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động tại nơi cư trú, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tổ chức thực hiện góp phần xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho đồng bào nghèo; điều tra, phân tích làm rõ điều kiện hộ nghèo để tác động giúp đỡ họ có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội,...

Thành công hay thất bại của cuộc vận động phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định là sự đồng thuận và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An - Lê Văn Hùng

Chia sẻ bài viết