Tiếng Việt | English

11/01/2016 - 15:55

Phát huy tính tự học, sáng tạo của học sinh

Là 1 trong 2 trường THCS đầu tiên áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), sau 1 học kỳ, Trường THCS Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), bước đầu gặt hái thành công. Mô hình giúp học sinh (HS) ý thức cao trong học tập, phát huy tính tự học và sáng tạo; tự tin, mạnh dạn và năng động hơn trong giao tiếp.

Học sinh thảo luận nhóm để tìm ra kiến thức mới.

Khi áp dụng mô hình VNEN, mỗi bài học được thiết kế thành một chuỗi hoạt động của HS gồm: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng và tìm tòi mở rộng. Trong đó, giáo viên ( GV) là người định hướng, theo dõi, động viên và hướng dẫn HS theo phương pháp lấy hoạt động học tập của HS làm trung tâm.

Hiện nay, Trường THCS Thuận Mỹ có 2 lớp khối 6 thực hiện mô hình VNEN với 49 HS. Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên áp dụng mô hình này ở cấp THCS. Mặc dù GV được tham gia lớp tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhưng khi áp dụng vào thực tế, các thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn.

Thầy Đỗ Anh Lâm - GV môn Toán chia sẻ: Những HS học theo mô hình VNEN được tiếp cận mô hình ở khối cấp 1 nên các em phát huy tốt khả năng của mình. Tuy nhiên, trong lớp vẫn còn một số HS chưa theo kịp. Do đó, tôi thường xuyên giao nhiệm vụ cho các em, bắt đầu từ nhiệm vụ dễ đến khó, giúp các em nắm bài kỹ. Sau 1 học kỳ, tôi nhận thấy, HS học theo mô hình VNEN năng động, sáng tạo và có ý thức học tập tốt hơn, đặc biệt khả năng làm việc nhóm và có tính hợp tác khá tốt.

Nhóm trưởng báo cáo và mời các bạn phát biểu

Học theo mô hình VNEN, HS tự tìm ra kiến thức mới nên nhớ bài lâu và kỹ hơn. Trong quá trình thảo luận tìm ra kiến thức mới, HS còn rèn luyện được kỹ năng nói trước đám đông, từ đó, các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

Em Tô Huỳnh Hải Thi, HS lớp 6/7 cho biết: Em học theo mô hình VNEN từ lớp 3 nên đã quen với cách học và phương pháp dạy của GV theo mô hình này. Tuy nhiên, ở cấp 2, các môn học nhiều và kiến thức nâng cao hơn đòi hỏi em phải cố gắng nhiều trong học tập. Việc thảo luận đóng vai trò rất quan trọng, qua đó HS bổ sung những kiến thức mới cho nhau, từ đó tìm ra nội dung bài học. Với phương pháp học này, em thấy các bạn trong lớp gần gũi và đoàn kết hơn. Với vai trò là Chủ tịch hội đồng tự quản của lớp, em thường xuyên nhắc nhở các bạn tự học và mạnh dạn hỏi khi chưa hiểu. Riêng các bạn chưa theo kịp bài, em và các bạn nhóm trưởng cùng hỗ trợ, giúp bạn tiến bộ.

Sau 1 học kỳ áp dụng mô hình VNEN, trường chỉ còn 4% HS cần rèn luyện thêm môn Khoa học xã hội và tiếng Anh. Với những HS đạt toàn diện các môn, nhà trường tiếp tục phát huy khả năng tự học của các em. Riêng những HS chưa đạt, GV bộ môn đó sẽ thường xuyên cho các em làm nhiệm vụ trong tiết học, giúp các em hiểu bài và tự tin hơn trong học tập. 

Thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Mỹ cho biết: "Áp dụng mô hình VNEN, GV cùng học với HS. Trong đó, HS tự tìm kiến thức mới, tự giải quyết khó khăn và GV chỉ đóng vai trò hỗ trợ, gợi mở khi HS không giải quyết được vấn đề. Nhờ vậy, HS phát huy tính tự học và nắm vững kiến thức hơn. Hướng tới, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho GV giao lưu tại Trường THCS Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), đơn vị cùng áp dụng mô hình VNEN ở cấp THCS để trau dồi, học tập thêm kinh nghiệm giảng dạy".

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết