Tiếng Việt | English

15/07/2017 - 10:14

Phát huy truyền thống anh hùng

Ngày 15/7/1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, với 225 đội viên,... nhằm “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng” và làm “trường học lớn” đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai.

Sáng ngời truyền thống thanh niên xung phong

TNXP góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ, đội viên TNXP bảo đảm giao thông thông suốt ở các tọa độ lửa như đèo Pa Đin, ngã ba Cò Nòi,...

Đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên Chủ tịch nước dự lễ trao nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho cựu TNXP tại huyện Cần Đước

Với ý chí "Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc"; "Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm", quyết tâm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", TNXP nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. Cùng với bộ đội mang quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 TNXP chống Mỹ, cứu nước bảo đảm huyết mạch giao thông. Những địa danh ghi đậm chiến công oanh liệt của TNXP thời kỳ này: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, đường 20 Quyết Thắng, núi Nhồi, hang Tám Cô,... mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với niềm tự hào bi tráng nhất.

Ở miền Nam, từ phong trào "5 xung phong", hàng vạn thanh niên gia nhập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam và các đơn vị TNXP ở các quân khu, quân đoàn và địa phương vừa làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa tham gia công tác xây dựng nông thôn chuẩn bị chiến trường, xây dựng làng, xã chiến đấu, chống càn, xung kích vào những việc khó khăn, nguy hiểm ở địa phương. Ngày 20-4-1965, tại tỉnh Tây Ninh, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được thành lập với 108 người. Tiếp sau đó, trên 5.000 nam, nữ thanh niên từ đất mũi Cà Mau đến các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và cả Việt kiều Campuchia tình nguyện vào Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.

Trong 10 năm (từ 1965 đến 1975), Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam Tham gia hầu hết các chiến dịch quan trọng ở miền Nam như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Chiến dịch Hồ Chí Minh,... tham gia 614 trận đánh lớn, xứng đáng với danh hiệu được bộ đội trao tặng: “Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, thế hệ thứ 4 của TNXP lại tiếp tục lên đường. 30.000 TNXP TP.HCM cống hiến sức trẻ và xương máu cho công cuộc khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. 98 liệt sĩ TNXP ngã xuống trong giai đoạn này và 47 đội viên TNXP khác trở về cuộc sống đời thường với thân thể không lành lặn.

Ngày 30/6/1995, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên TNXP các thế hệ, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 382/TTg, lấy ngày 15/7 hàng năm làm Ngày truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam.

Gương mẫu xung phong

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Hội Cựu TNXP tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, sự hỗ trợ của các ban Đảng, các ngành, đoàn thể, giúp hội hoàn thành nhiệm vụ.

Hội tham mưu, đề xuất chính quyền giải quyết chế độ, chính sách cho 949 cựu TNXP trong kháng chiến chống Mỹ, TNXP tham gia bảo vệ biên giới và xây dựng đất nước sau 30-4-1975; đề nghị cấp 734 kỷ niệm chương TNXP, 650 huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế” cho các cựu TNXP từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia; xác minh được nơi chôn cất hài cốt của 36/64 liệt sĩ TNXP quê Long An hy sinh trên các chiến trường.

Chuyển hài cốt liệt sĩ TNXP về quê nhà

6 năm qua, các cấp hội vận động xây dựng 106 căn nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội, nhà đại đoàn kết, cấp 102 sổ tiết kiệm, tổng kinh phí trong các hoạt động hội 6 năm qua trên 17,4 tỉ đồng. Nhiều hội viên Hội Cựu TNXP gương mẫu thực hiện “Quy ước cộng đồng dân cư”, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; đóng góp nhiều công sức, tiền của, hiến đất xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, phục vụ sản xuất, đời sống; làm nòng cốt sinh hoạt trong các tổ dân cư,... Đó là những nỗ lực, biểu hiện tinh thần tích cực xã hội của đông đảo cán bộ, hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh nhà.

Hội phát động đợt thi đua gắn với chủ đề phát động thi đua của Trung ương hội: “Thời chiến dũng cảm hy sinh, thời bình sống mẫu mực” trong toàn thể hội viên, được triển khai đến từng cơ sở hội trong tỉnh. Hàng năm, cựu TNXP tổ chức gặp mặt các đơn vị truyền thống, đẩy mạnh các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”: Thăm viếng nhau khi ốm đau, tiễn đưa lúc qua đời, khơi dậy tình cảm thiêng liêng, nghĩa tình đồng đội, tạo được không khí ấm áp trong cựu TNXP.

Kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2017), các cấp hội ra sức thi đua, lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 2017-2022)./.

Trần Huy Phước - PCT. Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh Long An

Chia sẻ bài viết