Tiếng Việt | English

23/09/2017 - 01:20

Kỷ niệm 72 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2017)

Phát huy truyền thống hào hùng

23/9/1945 - Ngày Nam bộ kháng chiến - đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta. 72 năm trôi qua nhưng sự kiện Nam bộ kháng chiến vẫn sống mãi trong lòng nhân dân các tỉnh Nam bộ và cả dân tộc. Gắn kinh nghiệm của những ngày đầu Nam bộ kháng chiến vào tình hình, nhiệm vụ hiện nay, yêu cầu có tính khách quan đặt ra là phải khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và năng lực sáng tạo của quần chúng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung, tỉnh Long An nói riêng đồng tâm, nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách nhằm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Truyền thống hào hùng

Thực tế lịch sử cho thấy, trước và sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam bộ phải đối diện với tình hình hết sức khó khăn, căng thẳng. Lực lượng quân đội phát xít Nhật ở Nam bộ vốn đông và mạnh nhất so với các vùng khác trong cả nước.

Tuy tuyên bố đầu hàng quân đội Đồng minh, song quân đội Nhật ở miền Nam vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng cùng với một lượng lớn vũ khí trang bị. Tình hình càng trở lên khó khăn hơn khi cùng với 20 vạn quân Tưởng ở miền Bắc, ở Nam bộ, quân Pháp với sự hậu thuẫn của quân đội Anh cũng đổ ập vào dưới danh nghĩa giải giáp vũ khí phát xít Nhật nhưng thực chất là hiện thực hóa mưu đồ tái xâm lược Đông Dương. Và điểm chung nhất của các lực lượng này chính là dã tâm tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân ta vừa mới được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ “muôn người như một” anh dũng đứng lên với tinh thần quyết chiến và ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Ngay chiều 23/9, cả Sài Gòn - Chợ Lớn như ngập tràn trong khí thế chiến đấu tiêu diệt quân thù. Các công sở, xí nghiệp, hàng buôn đều đóng cửa.

Đêm 23/9, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bãi công, cắt toàn bộ điện, nước. Ở nội thành, chiến lũy được dựng lên khắp các phố phường nhằm cản bước tiến của quân địch. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học.

Bị bao vây chặt trong thành phố, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm,... và luôn bị quân, dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt. Chúng buộc phải tìm cách hoãn binh, nhờ phái bộ Anh xin điều đình với Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ vùng lên đánh trả kẻ địch có trang bị vũ khí hiện đại, làm thất bại âm mưu của chúng, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.

Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc; thực hiện chủ trương của Đảng cần phải tập trung đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam bộ, tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở miền Bắc.

Giữ gìn, phát huy những bài học quý báu

Sự kiện lịch sử Ngày Nam bộ kháng chiến để lại cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm quý báu. Chính nhờ những phân tích, đánh giá đúng về bối cảnh lịch sử, âm mưu của kẻ thù nên Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ kịp thời động viên toàn dân tham gia kháng chiến, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp chủ động tiêu diệt kẻ thù ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong tình hình, nhiệm vụ mới hiện nay, cùng sự biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động, thù địch, hơn lúc nào hết, chúng ta cần kiên định lập trường, quan điểm trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bởi “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.


Những điểm sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần khắc phục dần sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm lành mạnh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tạo động lực cho sự phát triển. Ảnh: Bến Lức

Tấm gương sáng ngời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần Nam bộ kháng chiến luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy hào khí Nam bộ kháng chiến, Long An luôn năng động, sáng tạo, góp phần vào việc hình thành chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, đưa nước ta ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng lên, nâng cao vị thế nước nhà trên trường quốc tế...

Tuy nhiên, Long An cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Kinh tế phát triển chưa bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người dân; tham nhũng, lãng phí còn gây bức xúc trong xã hội;...

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, hơn lúc nào hết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An phải chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vấn đề đặt ra là cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng tốc thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên cùng nêu gương tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm; xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm phục vụ nhân dân.

Mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể phải trọng dân, gần dân, sát dân, đặt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân lên hàng đầu; luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử để giáo dục cho thế hệ hôm nay càng gắn bó, yêu quý truyền thống cách mạng của bao thế hệ cha ông để lại.

Đồng thời, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng,...

Đó là nhiệm vụ, hành động thiết thực nhằm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Nam bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Huỳnh Thị Thu Năm

Chia sẻ bài viết