Tiếng Việt | English

20/06/2018 - 08:22

Phát huy vai trò của báo chí cách mạng tỉnh nhà trong giai đoạn mới

Những người làm báo tỉnh nhà luôn nỗ lực để có những tác phẩm báo chí tốt, đáp lại niềm tin yêu của công chúng. Ảnh: Huỳnh Du

Những người làm báo tỉnh nhà luôn nỗ lực để có những tác phẩm báo chí tốt, đáp lại niềm tin yêu của công chúng. Ảnh: Huỳnh Du

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018), nói đến vị trí, vai trò của báo chí, chúng ta càng nhớ đến Bác Hồ - một nhà báo xuất sắc, người sáng lập và cũng là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tháng 4/1959, tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, Người chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Người còn khẳng định: “Nói đến báo chí, trước hết, phải nói đến những người làm báo chí, bởi nhiệm vụ của họ quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, thì phải học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, đánh giá cao sức mạnh to lớn, vai trò quan trọng của báo chí; đại bộ phận những người làm báo luôn trau dồi, nâng cao trình độ nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đáp ứng nhu cầu được thông tin của nhân dân mà còn phản ánh kịp thời, phân tích, đánh giá đúng mức các sự kiện, vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và định hướng dư luận xã hội.

Báo chí tôn vinh các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, đạt hiệu quả cao trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần phản ánh kịp thời những bức xúc, nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển KT-XH, phát hiện những vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch,...

Thời gian qua, báo chí Long An và báo chí ngoài tỉnh tác nghiệp trên địa bàn đóng góp tích cực trong sự phát triển của tỉnh nhà, góp phần tạo được những dấu ấn đậm nét và thành tích vượt trội của địa phương trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, điều hành, quản lý của UBND các cấp, các loại hình báo chí không ngừng phát triển về mọi mặt.

Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Báo Văn nghệ và các tờ tin, cổng thông tin, trang tin điện tử của một số cơ quan trong tỉnh tăng số lượng phát hành, thời lượng và nâng cao chất lượng tin, bài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương; các hoạt động báo chí, truyền thông tích cực đổi mới về hình thức và nội dung thông tin, tuyên truyền; cập nhật, ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông; thường xuyên mở các chuyên trang, chuyên mục đa dạng, phong phú.

Đội ngũ những người làm báo có bước phát triển khá nhanh, thể hiện khá tốt vai trò của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.

Nhiều tác phẩm báo chí tạo ảnh hưởng tích cực trong dư luận; nhiều nội dung tin, bài, phóng sự;... đề xuất, đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phát hiện và giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương. Báo chí trong, ngoài tỉnh luôn có mặt trong những vấn đề thời cuộc nóng bỏng, trong từng bước chuyển biến phong phú, sinh động của đời sống xã hội.

Bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng, báo chí và đội ngũ làm báo tỉnh nhà cũng còn một số hạn chế, tồn tại, cần sớm khắc phục: Nội dung tin, bài của các loại hình báo chí có lúc chưa thực sự sắc bén, hấp dẫn và phong phú; chưa giải đáp, phản ánh kịp thời, tạo sự đồng thuận xã hội trước những vấn đề bức xúc đặt ra trong tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Đội ngũ phóng viên chưa thực sự đồng đều về trình độ chính trị, chuyên môn, chưa thể hiện chính kiến rõ ràng và có trách nhiệm trước các đề tài phản ánh, có trường hợp vẫn còn bất cập trước yêu cầu, nhiệm vụ mới,...

Để phát huy những kết quả đã đạt, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta cùng nhau tâm niệm cần làm tốt một số trọng tâm công tác, đó là:

- Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, những người làm báo; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi các nhà báo trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, vì lợi ích tối thượng của đất nước. Nâng cao trách nhiệm của nhà báo đối với sự nghiệp báo chí cách mạng, bảo đảm báo chí cách mạng luôn đồng hành với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

- Các cơ quan báo chí, các nhà báo phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, quán triệt cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động và phối hợp tổ chức nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho các phóng viên, nhà báo; xây dựng đội ngũ những người làm báo của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

- Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng gắn với việc giáo dục, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo cần toàn tâm, toàn ý thực hiện và tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong thực hiện nhiệm vụ này.

- Nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, xây dựng các cơ quan báo chí thật sự trong sạch, vững mạnh. Các nhà báo không chỉ thấm nhuần mà còn phải thực hiện thật nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ trong quá trình tác nghiệp, đó là: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? và Viết như thế nào? Để từ đó, báo chí và các nội dung thông tin đại chúng ở địa phương thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân.

- Cán bộ, phóng viên báo chí tỉnh cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực thâm nhập thực tiễn cuộc sống; góp phần tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm hay, những điển hình sản xuất giỏi, công tác tốt, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước; đồng thời kiên quyết lên án, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Báo chí phải thực sự là vũ khí sắc bén của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn tin cậy của nhân dân trong tỉnh.  

Phát huy vai trò tiên phong, tính chiến đấu của báo chí trong sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà, thời gian tới, ngoài những nhiệm vụ nêu trên, công tác báo chí và những người làm báo cần tích cực góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta suy ngẫm về những điều đã làm được, chưa làm được, những việc cần phải phấn đấu trong thời gian tới; đây cũng là dịp để bày tỏ sự quyết tâm thực hiện thật tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”./.

Nguyễn Bá Luân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Chia sẻ bài viết