Tiếng Việt | English

18/10/2019 - 08:33

Phát huy vai trò “Dân vận khéo”

Trong tuần, cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ra đời của bài báo Dân vận của Bác Hồ (ngày 15-10-1949, trên báo Sự Thật, số 120 với bút danh X.Y.Z). Bài báo ra đời trong thời điểm công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng. Đồng thời, thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng dân, tin dân, luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc viết nên những trang sử vàng. Ở miền Bắc, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã phát triển rầm rộ, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong nhân dân. Ở miền Nam, công tác dân vận đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân đấu tranh với quân thù, nuôi dưỡng, che chở cán bộ cách mạng. Danh hiệu Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” có được trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cũng từ làm tốt công tác dân vận mà ra. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt và thủy chung, không gì lay chuyển được.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét từ tư tưởng “lấy dân làm gốc”, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến phong trào thi đua “Dân vận khéo”… Qua đó, đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ, nhất là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Công tác dân vận đã phát huy vai trò tiên phong trên mọi mặt trận: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, thi đua lao động, sản xuất. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã phát huy mọi nguồn lực của xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. “Dân vận khéo” tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo đảm an sinh xã hội, các hoạt động xã hội - từ thiện.

Phong trào “Dân vận khéo” đã vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân. “Dân vận khéo” tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân;…

70 năm trôi qua nhưng giá trị lý luận và thực tiễn từ bài báo về dân vận của Bác Hồ vẫn trường tồn, nêu rõ về bản chất, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, phương pháp, quy trình dân vận, tác phong người cán bộ dân vận; thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực tiễn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh,... đang tiếp tục đặt ra vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận. Bài báo Dân vận của Bác Hồ chính là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.

Tân An

Chia sẻ bài viết