Tiếng Việt | English

02/10/2017 - 10:04

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu

Hội nghị “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH)” nhằm tìm ra các giải pháp đột phá, định hướng chiến lược, vượt qua thách thức, phát triển kinh tế toàn vùng. Hội nghị được Chính phủ tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/9/2017, tại TP.Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì. Đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương liên quan, nhiều nhà khoa học, các ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế dự.


Đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức lớn do biến đổi khí hậu gây ra

Đồng bằng bị “tổn thương”

Với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vùng ĐBSCL có diện tích gần 4 triệu ha, dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước. Vùng này có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Sản lượng nông sản ở ĐBSCL đứng đầu Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều mặt hàng nông sản của vùng có mặt và được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, toàn vùng đang bị “tổn thương” nghiêm trọng do chịu tác động mạnh của BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan mang lại.


Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu"

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL phải đối mặt với những thách thức lớn, chế độ dòng chảy, lượng phù sa đến đồng bằng bị suy giảm,... Bên cạnh đó, việc gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan, thiên tai, nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu vào đất liền do BĐKH, nghiêm trọng nhất là tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức làm ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như cuộc sống của người dân đồng bằng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung phát triển thủy điện gây ra hệ lụy tiêu cực cho ĐBSCL. Dòng chảy thay đổi, lượng phù sa bồi đắp ngày càng ít đi, gây sụt lún. Ngoài ra, đồng bằng thiếu chiến lược, chính sách hỗ trợ, thiếu sự kết nối giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc đầu tư công, hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân còn nhiều hạn chế,... Những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL.


Đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức lớn do biến đổi khí hậu gây ra

Giải pháp đột phá

Việc chuyển đổi phát triển ĐBSCL được Chính phủ và địa phương quan tâm, tìm hướng đi bền vững cho toàn vùng. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ thông tin, Chính phủ tập trung vào phân tích, nhận diện đầy đủ thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn. Dự báo các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn, làm cơ sở định hình mô hình phát triển vùng và định hướng chuyển đổi lớn. Xem xét các cơ chế, chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi, xác định các dự án, nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án với sự ưu tiên nguồn lực, có lộ trình thực hiện phù hợp tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà đề xuất, Chính phủ cần rà soát hoàn thiện đồng bộ chính sách, chiến lược, quy hoạch, đánh giá đầy đủ các tác động đến xã hội, sinh kế người dân, chuẩn bị tốt các điều kiện trong quá trình chuyển đổi cho ĐBSCL; tăng cường bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, có cơ chế huy động nguồn lực cho quá trình phát triển; nghiên cứu khoa học - công nghệ với tầm nhìn chiến lược, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tích hợp của vùng. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoàn thiện cơ chế điều phối, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ hơn các cơ hội từ quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, thích ứng BĐKH cho ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị phải điều chỉnh các quy hoạch vùng theo định hướng sinh kế, chuyển đổi bền vững và thích ứng BĐKH, đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ đồng bằng. Đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, nghiên cứu mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực thể chế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tranh thủ hợp tác quốc tế để hỗ trợ phát triển ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tất cả chính quyền địa phương trong vùng phải có trách nhiệm cho việc chung; lập quy hoạch tích hợp, thực hiện từng bước, quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý và coi nước là tài nguyên cần khai thác hiệu quả; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, nâng cao nhận thức của người dân trong tập quán canh tác; rà soát, điều chỉnh nhà máy nhiệt điện, cần xác định và huy động nguồn lực để phát triển tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; bảo đảm sự tham gia đầy đủ của người dân, doanh nghiệp trong chống BĐKH. Đặc biệt, cần xác định các dự án ưu tiên, đẩy nhanh các dự án chống BĐKH, hỗ trợ các nguồn vốn, phân bổ, giải ngân các dự án quan trọng. Tập trung ưu tiên đầu tư của tư nhân, đầu tư ngắn hạn, xây dựng mục tiêu phát triển, tăng ngân sách hỗ trợ ĐBSCL lên mức 20%/năm, sử dụng hợp lý nguồn vốn ODA, phòng chống BĐKH cho đồng bằng.

Đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức lớn do biến đổi khí hậu gây ra

Vượt qua thách thức

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau hơn 30 năm đổi mới, ĐBSCL đạt thành tựu lớn, tuy nhiên, hiện nay đứng trước nhiều thách thức ảnh hưởng đến toàn vùng. Các thách thức không còn là dự báo mà là hiện hữu, đòi hỏi cần phải có những chính sách thích hợp. Chính phủ kêu gọi các sáng kiến của tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bằng, ban hành nghị quyết riêng về sự phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương cùng với địa phương rà soát quy hoạch tổng thể cho toàn vùng, chủ động sống chung với lũ, biến thách thức thành cơ hội. Thay đổi tư duy phát triển từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, từ số lượng sang chất lượng, chú trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp bổ trợ cho kinh tế nông nghiệp. Từ đó, giảm khoảng cách giàu - nghèo, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm cuộc sống người dân.

Tôn trọng quy luật của tự nhiên, chọn mô hình phù hợp tự nhiên, tranh thủ sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế, kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất liên vùng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thích ứng môi trường nước mặn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện mới, trong đó, lấy phát triển bền vững và hiệu quả làm tiêu chí ban đầu; đầu tư các công trình, ưu tiên cho các công trình cấp bách, đặc biệt là giao thông, thủy lợi; bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu xây dựng quỹ và hợp tác quốc tế để phát triển bền vững cho vùng.

Với sự quyết liệt, phấn đấu, nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ tin tưởng, vùng ĐBSCL sẽ vượt qua thách thức hiện tại và đạt kế hoạch - Thủ tướng nhấn mạnh.

* Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc

Đến năm 2020, phải giải ngân có hiệu quả ít nhất 1 tỉ đô-la cho ĐBSCL, trong đó, tập trung làm hệ thống cống điều tiết lũ (tỉnh An Giang), ngăn mặn (tỉnh Kiên Giang), gia cố các tuyến đê bao, đặc biệt tại các điểm sạt lở nghiêm trọng để bảo vệ nhà cửa cho người dân.

* Đại sứ Hà Lan - bà Nienke Trooster

Hà Lan sẽ hỗ trợ kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật cho Việt Nam để giúp ĐBSCL thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Việt Nam cần có cơ cấu, cơ chế tài chính phù hợp và cách thức để gắn kết hành động cùng đưa ĐBSCL vượt qua những khó khăn và thách thức hiện tại.

* Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học - Đào Xuân Học

Chính phủ cần xây dựng chiến lược sống chung với lũ, chủ động sống chung với lũ, hệ thống công trình kiểm soát về các điểm lũ cho ĐBSCL. Xây dựng đường ven biển, công trình chống thiên tai, nước biển dâng, hệ thống năng lượng mặt trời và đầu tư các công trình an sinh xã hội cho người dân vùng đồng bằng, nhất là cấp nước sinh hoạt.

* Giáo sư, Tiến sĩ - Võ Tòng Xuân

Sử dụng những gì đang có, xây dựng những phương án đổi mới để đưa ĐBSCL bước lên tầm cao mới. Sử dụng hợp lý nguồn nước hiện hữu, tiết kiệm nước, tích lũy nguồn nước sử dụng khi vào mùa khô. Có chính sách khuyến khích sản xuất đa dạng theo yêu cầu của thị trường. Hỗ trợ các chính sách cho nông dân, không để người dân sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết