Tiếng Việt | English

22/03/2019 - 15:24

Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số

Định danh và xác thực điện tử là một yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử.

Sáng 22/3, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo với chủ đề “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính  phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội thảo.

Định danh và xác thực điện tử là một yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 nêu ra quan điển chỉ đạo cụ thể xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số phải gắn với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức.

Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, định danh và xác thực điện tử là một giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử mà vẫn đảm bảo các vấn đề về quyền riêng tư, tính chính xác, minh bạch, khả năng kiểm soát, trách nhiệm giải trình và bảo toàn an ninh, an toàn thông tin.

Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, mức độ quan trọng của định danh và xác thực điện tử trong việc triển khai Chính phủ điện tử. Đồng thời, xác định đây là nội dung mang tính cần thiết và cấp bách trong nghiên cứu, hoàn thiện từ đó để thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu thực tế, hiện hầu hết giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và người dân doanh nghiệp trên các Cổng dịch vụ công chưa có quy định thống nhất, chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng đảm bảo an toàn. Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước chưa có quy định cụ thể về định danh và xác thực điện tử. Giao dịch điện tử trong khu vực tư đã có quy định về đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực, tuy nhiên, chưa có quy định tổng thể chung về định danh và xác thực điện tử để tham chiếu…

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính  phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, vấn đề định danh và xác thực điện tử có vai trò quan trọng trong Chính phủ điện tử, đặc biệt khi chúng ta tiến tới nền kinh tế số. Trong đó, mỗi một tổ chức, cá nhân phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tư như dịch vụ công điện tử là mục tiêu chúng ta đang hướng tới.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện tại hệ thống cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin và định danh xác thực điện tử phần lớn đang được thực hiện đơn giản thông qua tài khoản và mật khẩu. Do đó, sẽ không đủ đảm bảo định danh xác thực. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng và bổ sung khung khổ pháp lý trong thời gian tới. Cùng với đó là xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng thực hiện hóa các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số; khuyến khích đổi mới sáng tạo trong hoạt động triển khai dịch vụ trực tuyến ở khu vực công nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân và doanh nghiệp- đây là vấn đề rất quan trọng.

“Quý 4/2019, chúng tôi sẽ thông qua Cổng dịch vụ công, việc phải thực hiện ngay đầu tiên đó là dịch vụ công kết nối từ Trung ương đến địa phương để việc cấp đổi bằng lái xe, cũng như việc đấu giá biển số xe những vấn đề gì mà người dân và doanh  nghiệp cần nhất thì sẽ làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt nhưng làm một hai dịch vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm, để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, phải có mã định danh, nếu không kịp có mã định danh thì chúng ta sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ kết nối của các tổ chức cá nhân, nếu chúng ta không làm được việc này thì sẽ không thành công trong việc thực hiện Chính phủ điện tử, chính phủ số”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Dịp này, hội thảo cũng nghe chia sẽ của các tổ chức quốc tế đến từ Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch về các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai tại các nước này. Và kinh nghiệm trong quá trình triển khai cũng như các thách thức đang gặp phải./.

Nguyễn Hằng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết